Một khảo sát được thực hiện vào tháng 2/2013 trên 63.048 người đàn ông trung niên tại Úc đã chỉ ra rằng, những người ngồi trên 4 tiếng một ngày có nguy cơ mắc các chứng bệnh kinh niên như huyết áp, tim mạch, tiểu đường và ung thư cao hơn rất nhiều.
Không cần biết cân nặng của họ là bao nhiêu và cường độ luyện tập của họ như thế nào, càng ngồi lâu, những người này càng dễ mắc các bệnh kinh niên. Đặc biệt, những người ngồi ít nhất 6 tiếng một ngày rất dễ mắc phải chứng bệnh tiểu đường.
2. Giảm tuổi thọ
Theo một nghiên cứu của BMJ Open vào tháng 7/2012, khi giảm thời gian ngồi xuống dưới 3 tiếng một ngày, tuổi thọ dự tính của người Mỹ sẽ tăng lên đến 2 năm. Ngoài ra, khi giảm thời gian xem TV xuống dưới 2 tiếng một ngày cũng sẽ giúp tăng thêm 1,4 năm tuổi thọ nữa. (Tỉ lệ này cũng ngang ngửa với việc hút thuốc – hút thuốc làm giảm 2,5 năm tuổi thọ đối với nam giới và 1,8 năm tuổi thọ đối với nữ giới).
Cuộc nghiên cứu ước tính rằng, một người trưởng thành sẽ sử dụng khoảng 55% thời gian trong ngày để ngồi làm một việc gì đó. (Tuy nhiên số liệu này có thể sẽ ít hơn thực tế vì thật ra không dễ gì để nhớ được những tất cả những khoảng thời gian bạn đã ngồi trong ngày, bởi lẽ ngồi không phải là một hành động gì đó rõ ràng và cụ thể như xem TV).
3. Mắc bệnh về thận
Một phân tích dựa trên những khảo sát được tiến hành trên 6.379 người trong độ tuổi từ 40 đến 75 vào tháng 10/2012 đã chỉ ra rằng, cho dù mọi người đều kiểm soát được cân nặng và có chế độ luyện tập hợp lý, những người ngồi ít hơn vẫn có nguy cơ mắc bệnh về thận thấp hơn. Sự khác biệt thể hiện rõ nét nhất ở nữ giới: khi phụ nữ giảm thời gian ngồi từ một ngày làm việc xuống còn 3 giờ đồng hồ, nguy cơ mắc bệnh về thận của họ giảm đến hơn 30%. Đối với đàn ông, tỉ lệ này là 15%.
4. Trí tuệ giảm sút
Ngồi lâu sẽ gây tác động xấu đến trí não của bạn. Một khảo sát được tiến hành vào tháng 4/2012 trên tờ Annals of Behavioral Medicine đã phân tích mối liên hệ giữa việc ngồi lâu và sức khỏe trí tuệ. Theo những dữ liệu khảo sát được trên tổng số 3.500 người, thời gian ngồi ngoài giờ làm việc (để xem TV, lái xe và dùng máy tính) tương quan tỉ lệ nghịch với sức khỏe trí tuệ của phụ nữ. Liên hệ này ít hơn đối với nam giới, chỉ thời gian ngồi trước máy tính mới ảnh hưởng đến sức khỏe trí tuệ của họ.
Thay vì ngồi quá lâu tại bàn làm việc hay đơn thuần chỉ ngồi không xem TV, bạn có thể kết hợp với giải trí bằng việc…. chơi game cải thiện trí nhớ của mình
5. Béo phì và rối loạn chuyển hóa
Theo một nghiên cứu về hội chứng béo phì vào tháng 11/2009, những người béo phì ngồi nhiều hơn khoảng 2,5 tiếng một ngày so với những người gầy. Ngoài béo phì, ngồi nhiều còn có sự liên hệ với hội chứng chuyển hóa. Sự kết hợp giữa các nhân tố như béo bụng, lượng chất béo tốt ở mức độ thấp, huyết áp cao, chỉ số triglyceride hoặc chỉ số đường huyết cao… sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường.
Một nghiên cứu trên tờ Plos One vào năm ngoái đã chỉ ra rằng, những người ngồi nhiều có nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa cao hơn đến 73% so với người khác. Năm 2005, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi giảm thời gian xem TV và dùng máy tính ngoài giờ làm việc xuống dưới 1 tiếng một ngày, nguy cơ mắc phải hội chứng chuyển hóa của một người trưởng thành tại Mỹ có thể giảm tương ứng 30 – 35%.
Trừ trường hợp bạn muốn được ai đó thích thú khi… ôm mình thì hãy cố gắng để béo, còn không thì hãy nghĩ đến sức khỏe của mình
6. Ung thư ruột kết
Cho dù bạn đã bị chẩn đoán ung thư, nhưng rất có thể việc ngồi lâu mới chính là nguyên nhân giết chết bạn. Theo một nghiên cứu vào tháng 1/2013 trên tờ Journal of Clinical Oncology, khi bị chẩn đoán ung thư ruột kết, việc ngồi lâu sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh. Cuộc nghiên cứu được tiến hành trên 2.000 bệnh nhân mắc chứng ung thư ruột kết (những người đã sống được thêm 16 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh). Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người vận động nhiều hơn có nguy cơ tử vong thấp hơn 28% so với người khác; những người dành ít nhất 6 tiếng một ngày để ngồi có nguy cơ tử vong cao hơn đến 36% so với những người ngồi ít hơn 3 tiếng một ngày.
7. Chết sớm
Theo một khảo sát vào tháng 3/2012 do tờ Archives of Internal Medicine tiến hành trên 200.000 người Úc từ 45 tuổi trở lên, không cần biết giới tính, cân nặng hay độ tuổi của họ là bao nhiêu, nguy cơ tử vong của những người ngồi nhiều đều cao hơn người khác (dù họ tử vong vì bất cứ nguyên nhân gì). Những người ngồi trên 11 tiếng một ngày có nguy cơ tử vong trong vòng 3 năm cao hơn đến 40% so với người khác. Nguy cơ này sẽ giảm xuống đối với những ai tập thể thao ít nhất 5 tiếng một tuần, nhưng cho dù như vậy thì vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn sự nguy hiểm của việc ngồi nhiều.