Ảnh chỉ mang tính minh họa. GettyImages
Nhầm bệnh này với bệnh kia!
Viêm ruột thừa là bệnh dễ gây nhầm lẫn, bởi mỗi người mỗi kiểu đau và thường khó “chỉ điểm” đúng vị trí đau. Đã có trường hợp một thai phụ bị đau thận, nhưng do đang mang thai lại chỉ thấy đau dữ dội ở vùng hố chậu phải (vị trí của ruột thừa) nên buộc phải mổ cấp cứu. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ thấy ruột thừa không viêm nên “thám sát” ổ bụng và tìm ra được nguyên nhân là viêm thận. Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế, đã từng có trường hợp nguy đến tính mạng chỉ vì bác sĩ không thám sát ổ bụng mà “đang tay” cắt ruột thừa!
Cũng có trường hợp chẩn đoán là viêm ruột thừa, nhưng đến khi mổ ra mới thấy vùng ruột thừa hoàn toàn“yên tĩnh”, còn bệnh nhân thì bị u nang buồng trứng xoắn.
Bệnh nhân có polyp túi mật, sỏi mật trong thời kỳ theo dõi thường được bác sĩ chuyên khoa gan mật dặn dò: “Khi thấy đau vùng hạ sườn phải (vị trí túi mật) cần nhập viện gấp để… “giải quyết”. Đó là những trường hợp khám bệnh định kỳ, còn những người thình lình bị đau hạ sườn phải, thượng vị, ói mửa… lại đang bị đau dạ dày, rất dễ chẩn đoán lầm là dạ dày viêm, loét. Sai lầm này nguy hiểm vì đau đàng đông chữa đằng tây, khi không cấp cứu kịp thời, túi mật bị vỡ gây nhiễm trùng vùng bụng sẽ nguy đến tính mạng. TS Nguyễn Hoài Nam - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM còn cho biết: “Ngay cả bản thân bác sĩ, nếu chủ quan không đi khám định kỳ vẫn có thể chẩn đoán nhầm bệnh cho chính mình. Đã có trường hợp bác sĩ bị nhồi máu cơ tim nhưng lại cho rằng mình bị đau dạ dày nên nhờ y tá chích thuốc giảm đau. Vị bác sĩ này ra đi để lại hàm oan cho người điều dưỡng”.
Bí quyết nhận dạng bệnh
Nhiều nguyên nhân gây đau bụng, vì thế, càng am hiểu vị trí các cơ quan nội tạng càng dễ định vị cơn đau và có hướng xử trí. Cụ thể, vùng bụng trên, nếu bị đau ngay dưới mũi ức là đau dạ dày. Vùng hạ sườn bên phải là vị trí của gan, mật, bên dưới vùng này là nơi “đóng quân” của thận, niệu quản. Phía bên trái đối diện với gan mật là lá lách, bên dưới là thận và niệu quản.
Cơn đau do dạ dày tương đối dễ nhận dạng vì gây khó dễ cho khổ chủ trong việc ăn uống: đói cũng đau, no cũng đau… Đau do sỏi mật thường có triệu chứng vàng da. Tuy nhiên, những cơn đau này thường giống nhau. Vì thế, bên cạnh việc nhớ một số vị trí cơ quan nội
tạng, cần khám định kỳ bằng cách siêu âm bụng mỗi sáu tháng hay một năm. BS Nguyễn Cao Cương - Khoa Ngoại Bệnh viện Bình Dân TP.HCM khuyên: “Khi đau bụng trên cần đi siêu âm ngay để phát hiện các bệnh gan mật: sỏi gan, sỏi mật, sỏi thận, gan có khối u… Khi bị đau bụng dưới, nếu là phụ nữ cần đi khám, siêu âm phụ khoa”.
Vùng bụng dưới cần lưu ý vị trí của ruột thừa nằm ở hố chậu phải. Cơn đau ruột thừa mỗi bệnh nhân mô tả mỗi khác, nhưng thường là đau dữ dội, có kèm theo sốt và ói. Đau phần giữa bụng dưới thường do viêm đại
tràng (nguyên nhân: ký sinh trùng, amip). Riêng cơn đau do bàng quang gây ra thường có những triệu chứng dễ nhận biết: tiểu buốt, tiểu rát. Đau vùng bụng không có vị trí rõ ràng có thể do viêm phúc mạc xoắn ruột, tắc ruột...
Đau do ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện sau khi ăn một thời gian. Tùy vào thức ăn mà cơn đau có khác nhau, có người thấy đầu óc quay cuồng, mọi thứ đảo lộn, nhưng cũng có người có cảm giác như thân thể mềm oặt như không có xương, không thể tự di chuyển... Cơn đau có ngộ độc nhẹ thường giảm dần, khi… trên thổ dưới tả. Những trường hợp nặng cần nhập viện cấp cứu. Khi bị đau bụng cần theo dõi cơn đau, vị trí đau, nếu sau khi thoa dầu, nằm nghỉ mà cơn đau ngày càng tăng và không kèm đi ngoài thì nên theo dõi kỹ vị trí đau cùng các triệu chứng để “báo cáo” cho bác sĩ.
Phương Nam