Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh ở trường đại học West of England, cơn mệt này sẽ giảm đi nếu thường xuyên chạy bộ hoặc đạp xe đạp.
Sự mệt mỏi có thể do bệnh ung thư gây đau đớn, hoặc do tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị. Để giảm mệt, những nghiên cứu trước đây khuyên người bệnh nên châm cứu, ăn uống thích hợp. Giờ đây, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, chạy bộ hoặc đạp xe vừa phải cũng có thể giảm mệt.
Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Fiona Cramp và đồng sự James Byron-Daniel thuộc đại học West of England, đã phân tích 38 nghiên cứu liên quan đến 2.000 bệnh nhân bị mệt mỏi dai dẳng do ung thư hoặc liệu pháp hóa trị. Những người này, phần lớn là phụ nữ bị ung thư vú, từng thực hiện một chương trình tập luyện nào đó từ chạy bộ, đi xe đạp đến tập tạ hoặc yoga. Số lần tập từ hai lần/tuần đến mỗi ngày và kéo dài từ 10 phút đến 2 tiếng, tùy theo nghiên cứu.
Sự mệt mỏi có thể do bệnh ung thư gây đau đớn, hoặc do tác dụng phụ của liệu pháp hóa trị. (ảnh minh họa)
Kết quả phân tích cho thấy, hoạt động thể dục trong khi hoặc sau khi chữa bệnh ung thư có tác dụng giảm mỏi mệt. Hiệu quả nhất là chạy bộ và đạp xe đạp chậm. Những môn thể thao dùng nhiều sức được xem là không phù hợp.
Bác sĩ Cramp cho biết thêm, tuy vậy không phải lúc nào hai môn thể dục kể trên đều có lợi đối với mọi dạng ung thư. Chạy bộ và đạp xe có tác dụng tốt với người mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư tuyến tiền liệt nhưng lại không có tác dụng tốt đối với bệnh ung thư bạch cầu và ung thư bạch huyết.
Bác sĩ Carol Enderlin, chuyên gia về ung thư và sự mệt mỏi ở Khoa Y trường đại học Arkansas (Mỹ), giải thích: “Các bệnh nhân bị ung thư về máu không có sức để thực hành các bài tập ngoài trời. Nguyên nhân do họ không có đủ lượng ôxy, vì bệnh tật và liệu pháp chữa trị ảnh hưởng đến lượng huyết cầu”.
Theo bác sĩ Enderlin, nói như vậy không có nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh ung thư về máu không thể tập luyện gì để giảm mệt. Họ có thể tập các bài tập trong nhà với cường độ thấp.