Kết quả này hỗ trợ các phát hiện trước đó cho rằng, việc tiêu thụ trà đen thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
Nhà nghiên cứu Ariel Beresniak, thuộc Trung tâm Khai thác dữ liệu Quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) và các đồng nghiệp đã tìm hiểu việc tiêu thụ trà đen tại 50 quốc gia trên khắp các châu lục trong năm 2009 và so sánh với tỷ lệ bệnh tiểu đường, ung thư, cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tim mạch giữa những quốc gia này.
Việc tiêu thụ trà đen thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường (Ảnh minh họa)
Theo đó, Ireland là nước có mức tiêu thụ trà đen cao nhất (mỗi người tiêu thụ trung bình khoảng 2kg/năm), tiếp đến là nước Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia có mức độ tiêu thụ trà đen thấp nhất theo thứ tự là Hàn Quốc, Bra-xin, Trung Quốc, Ma-rốc và Mehico.
Các cuộc thống kê cho thấy, ở các nước có mức tiêu thụ trà đen cao, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường thấp hơn so với các nước có mức tiêu thụ chè đen thấp. Ngoài ra, không phát hiện bất kỳ mối liên quan nào giữa việc tiêu thụ trà đen với các chứng bệnh khác.
Các nhà nghiên cứu nhận định: "Những kết quả ban đầu này hoàn toàn nhất quán với các nghiên cứu sinh học, sinh lý và sinh thái trước đó về lợi ích tiềm năng của trà đen trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường và béo phì, đồng thời cung cấp thêm các thông tin có giá trị khoa học về trà đen ở cấp độ toàn cầu".
Theo giải thích của các nhà khoa học, trà đen có chứa một lượng lớn chất flavonoid phức hợp, được chứng minh có liên quan với một số lợi ích sức khỏe tiềm năng. Quá trình ủ trà giúp sản xuất ra chất flavonoid này.
Theo ước tính của Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, số lượng người bị bệnh tiểu đường típ 2 trên toàn thế giới sẽ tăng từ 285 triệu trong năm 2010 lên đến 438 triệu vào năm 2020.
Mặc dù phát hiện mối liên quan xác đáng giữa tiêu thụ trà đen với việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2, nhưng nghiên cứu không chứng minh được mối quan hệ trực tiếp giữa hai việc này.