Từ mấy tháng nay, câu chuyện về một con trâu biết quỳ, biết bò, biết vái chào khiến người dân ở khắp vùng Sông Lô, Phú Thọ như lên cơn sốt.
Việc trâu bò hiểu tiếng người là chuyện xưa nay không hiếm. Bởi lẽ, với truyền thống của nền nông nghiệp lúa nước, sử dụng sức kéo chủ yếu là trâu, bò từ xa xưa của ông cha ta thì những con vật nuôi ấy hiểu được tiếng và tuân theo một vài khẩu lệnh đơn giản của chủ cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, việc thuần và huấn luyện trâu để nó biết làm những công việc, hay thực hiện những động tác phức tạp rất khó khăn, vất vả. Thế nên, việc ông Nguyễn Ngọc Lê, thôn Đại Nghĩa, xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, tỉnh Phú Thọ sở hữu một con trâu biết quỳ, biết bò và hiểu được tiếng người là chuyện rất kỳ lạ, được đồn thổi nhiều nơi.
Ông Nguyễn Ngọc Lê (xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô) kể, gia đình ông có truyền thống nuôi trâu. Từ nhỏ, ông đã được lớp cha anh truyền cho nhiều bí quyết chọn trâu. Thế nên, để tìm được con trâu ưng ý, nhiều khi ông phải cất công xuống tận Hà Nội, rồi ngược lên mạn Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang... mới tìm được. “Mỗi chuyến đi như thế vất vả lắm, có khi lặn lội hàng tháng trời khắp hang cùng ngõ hẻm đến rừng xanh núi đỏ mà không tìm được trâu, đành tay trắng ra về”, ông Lê chia sẻ.
|
Con trâu đang quỳ xuống theo hiệu lệnh của ông Lê.
|
Cuối năm 2011, ông Lê có ý định đổi trâu. Ròng rã suốt hơn một tháng trời, ông lặn lội khắp vùng Tuyên Quang, Phú Thọ mà vẫn chưa tìm được con trâu nào ưng ý. Bởi theo ông Lê thì “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên nhất định phải chọn lựa kỹ càng. Nếu rủi mà mua phải con trâu chậm lớn thì rất khó làm ăn.
Tình cờ vào cuối tháng 2/2012, người cậu họ xa của ông ở Tuyên Quang muốn bán một con trâu đực mới 8 tháng tuổi để đổi sang nuôi trâu cái. Nhìn dáng trâu cao ráo với khung xương đẹp, móng khít, mông nở, sừng tròn… ông Lê đã đồng ý mua lại với giá hơn 15 triệu đồng.
Tìm được con trâu ưng ý nên dù đang trong thời gian cày cấy bận rộn, ông vẫn quyết định bán con trâu cũ rồi phụ thêm tiền mua cho kỳ được. Theo ông, con trâu này có nguồn gốc từ Tuyên Quang, nơi mà người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô thường đến tìm trâu để nuôi chọi hằng năm. Những con trâu ở đây thường rất nhanh, khôn và thuần. Trong những lần đi xem hội, thấy chủ trâu bắt trâu chọi quỳ để làm lễ, ông cũng nghĩ đến việc huấn luyện để con trâu biết quỳ. Ngay sau khi thử, không những con trâu này biết quỳ mà nó còn biết bò.
Có lần, do vô tình trong khi đang chăm sóc trâu, ông Lê nắm dây thừng bảo nó quỳ xuống, tự nhiên hai chân trước nó khuỵu xuống như đang chào chủ vậy. Thấy thế, ông Lê mới tập luyện cho nó thành thục. Hiện giờ trâu không chỉ biết quỳ mà còn bò được một đoạn khá xa ngay cả trên đường bê tông.
Lần đầu tiên mọi người trong thôn Đại Nghĩa biết đến chuyện kỳ lạ về con trâu hiểu tiếng người này là khi ông Lê đưa nó đi tiêm phòng ở thôn. Và, trước sự chứng kiến của nhiều người, ông Lê đã ra lệnh cho nó cúi chào cán bộ thú y. “Đầu tiên mọi người cũng tưởng tôi nói đùa nhưng sau khi nó quỳ chân xuống chào thì mọi người hết sức thán phục”, ông Lê nói. Cũng từ đó, việc một con trâu biết quỳ, biết bò và hiểu được tiếng người đã trở nên nổi tiếng khắp vùng.
Nhiều đêm không ngủ được, ông thường ra “tâm sự” với trâu, ông bảo cứ thủ thỉ với nó, dần nó sẽ gần gũi và nghe lời mình hơn. Nhiều khi trong nhà bận việc, không dắt được, ông thả trâu ra vườn cho nó đi ăn cỏ và có dặn trước là không được phá hoại hoa màu. Tuyệt nhiên, nó không “ăn vặt” những thứ ở vườn mà ông cấm, mặc dù bao quanh những ngôi nhà ở đây là ruộng lúa và hoa màu.
|
Không chỉ ông Lê mà người lạ như anh Thành cũng ra lệnh cho chú trâu này quỳ được
|
Có lần đưa nó đi cày ở ruộng trũng, khi ông Lê đang vác cày xuống ruộng thì nó đã đi theo con trâu cái khác, phải mất rất lâu ông mới đuổi theo được. Để phạt cho cái “tội hư”, ông đã bắt nó quỳ, bò gần 2m trên đường bê tông của thôn. Từ đấy, hễ con trâu này cứ không nghe lời là ông bắt phạt. Bây giờ con trâu này không đơn giản chỉ là vật nuôi lấy sức kéo mà nó còn là một thành viên trong gia đình ông.
Ông Lê bảo: “Nó như vật may mắn của gia đình tôi vậy. Từ khi nuôi con trâu này trong nhà làm ăn cũng thuận lợi hơn, ít ốm đau mà mọi người trong gia đình cũng vui vẻ hơn. Thực ra, gặp được con trâu này xem ra là tôi có duyên và cũng ăn may nữa, nuôi con trâu này nhanh lớn lắm”.
Đến nay, con trâu đã được gần hai năm tuổi, vẫn chưa thay răng sữa. Nó có thân hình đẫy đà, có 4 xoáy ở bốn góc lưng, một xoáy ở đầu và có móng chân to. Theo con rể ông Lê thì: “Con trâu có đóng xoáy 4 bên thường người ta sẽ nuôi đến già và không có ý định bán”. Mỗi năm, gia đình ông làm hơn một mẫu ruộng, tất cả đều sử dụng sức cày, kéo của nó. Hiện tại, chưa có ai hỏi mua và ông cũng chưa có ý định bán vì trâu đang trong thời kỳ phát triển nhanh.
Mỗi ngày, khẩu phần ăn của con trâu này gồm một kg bột sắn hòa với nước, rơm khô và cỏ voi. Những ngày vào đông buốt giá, hết rơm khô, gia đình ông không cắt được cỏ thì nó chỉ được uống nước bột sắn.
Đây không phải là lần đầu tiên tại xã Nhân Đạo có trâu hiểu tiếng người. Trước kia tại thôn Tiền Phong, gia đình ông Điền cũng từng có con trâu biết quỳ, biết bò, biết cười và biết tự móc càng xe kéo để đi. Thậm chí, khi đi cày không cần có trạc, trâu vẫn đi thẳng hàng. Tuy nhiên, con trâu này đã bị điện giật chết cách đây hơn 10 năm trước.
Anh Nguyễn Trung Thành ở thôn Tiền Phong cho biết: “Việc có những con trâu hiểu được tiếng người không phải hiếm ở đây. Nhưng hiện nay, không còn nhiều người sử dụng sức kéo của trâu nên giống trâu không được thuần như trước nữa”.
Với hơn 20 năm đánh xe trâu đi chở thuê, anh Thành đã gặp rất nhiều con trâu khôn và loại trâu thuần nhất phải kể đến trâu kéo. “Những con trâu này thường được chọn lựa một cách rất kỹ lưỡng và có khi trong đời chỉ gặp được 1 - 2 con như thế. Trâu đẹp là con trâu có mông nở, chân to, móng khít, sừng không được nhọn. Tuyệt đối không nên chọn những con trâu có xoáy chính giữa trán vì những con trâu như thế thường rất bướng, khó bảo và dễ húc người”, anh Thành cho biết. Theo anh Thành, con trâu của gia đình ông Lê không chỉ có dáng đẹp mà còn là một con trâu đặc biệt.
Hiện tại, ông Lê đang có ý định huấn luyện con trâu này biết cười và biết tự móc càng xe kéo như con trâu của gia đình ông Điền ở thôn bên. Khi hỏi về việc có cho con trâu này tham gia hội chọi trâu ở xã Hải Lựu không, ông bảo: “Muốn trâu được tham gia chọi ở xã ấy mình phải là người của xã, nếu không phải có anh em, họ hàng bên đó. Hiện tại, con trâu này cũng chỉ mới gần hai năm tuổi, nó còn rất non để tham gia hội chọi”.
Theo Công Lý