Hình ảnh ổ mủ trên đầu bệnh nhân bị vỡ, bên trong lúc nhúc giòi.
(Ảnh: Bác sĩ nội trú)
Bệnh nhân là Phạm Văn L. (28 tuổi, Nghệ An). Cách đây 3 năm, anh L. bị thanh sắt rơi vào đầu và được mổ cấp cứu lấy máu tụ ghép titan. Sau đó anh L. được chuyển về Nghệ An để gia đình chăm sóc. Bệnh nhân sau đó đã có thể tự đi lại được dù còn yếu nửa người trái.
Cách đây khoảng 1 năm, vết mổ cũ của anh L. có biểu hiện sưng tấy đỏ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không đưa đi thăm khám, điều trị.
Những con giòi được các bác sĩ gắp ra sau phẫu thuật. (Ảnh: Bác sĩ nội trú)
Đến ngày 25/3 vừa qua, ổ mủ trên đỉnh đầu bị vỡ, người nhà thấy có giòi bò ra nên lập tức đưa bệnh nhân nhập viện tại Nghệ An rồi được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt. Bệnh nhân được chuyển tới phòng tiểu phẫu làm sạch ổ mủ bằng oxy già và betadin loãng. Tại đây các bác sĩ đã gắp ra rất nhiều con giòi to bằng đầu đũa.
Tuy nhiên do một số ký sinh trùng đã ăn vào rất sâu vết mổ cũ nên dù các bác sĩ vệ sinh nhiều lần vẫn không thể lấy hết giòi. Bệnh nhân sau đó được chuyển mổ cấp cứu, làm sạch tổ chức mủ và gắp nốt những ký sinh trùng còn lại.
Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân đã ổn định, không sốt, vết mổ khô. Bệnh nhân sau đó được chuyển về bệnh viện tỉnh Nghệ An điều trị.
Theo bác sĩ Đức Anh, trường hợp anh L. mắc bệnh do bị nhiễm trùng vết mổ, dẫn đến mưng mủ rồi bị ruồi đẻ trứng vào ổ mủ trên đỉnh đầu. Rất may ổ nhiễm trùng và giòi nằm hoàn toàn ngoài màng cứng ngay dưới da đầu và trong trường hợp này, giòi đã giúp ích cho quá trình chống nhiễm khuẩn rất tốt nên bệnh nhân không có biểu hiện nhiễm trùng.