Người dân bản Lác (trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa) từ lâu truyền tai nhau những câu chuyện lạ về chiếc niếng cổ to nhất vùng. Niếng là một loại nồi đồ xôi của người dân tộc Thái. Chiếc niếng tại bản Lác bằng đồng nặng gần 100 kg, cao khoảng 60 cm, nặng 35 kg và có hai quai để cầm.
Người đang giữ chiếc niếng cổ là ông Hà Văn Tân (52 tuổi). Ông Tân không rõ tuổi của niếng, chỉ biết nó có nhiều tuổi hơn những người già nhất trong làng này. Bà cụ thân sinh ông Tân, năm nay hơn 90 tuổi, cho hay đây là vật gia truyền, hồi nhỏ bà đã thấy người nhà dùng nó đồ xôi.
|
Chiếc niếng cổ để đồ xôi được gia đình ông Hà Văn Tân (bản Lác) giữ gìn như báu vật suốt bao năm nay. Ảnh: Hoàng Phương.
|
"Trong làng có nhiều niếng nhưng xôi đồ trong chiếc này vẫn ngon nhất", ông Tân khẳng định. Lúc nấu, người dân đổ nước vào niếng, đặt hoong gỗ đựng gạo nếp lên trên. Khi đun nóng, hơi nước tỏa lên qua miệng niếng sẽ làm những hạt nếp nương nhanh chín, dẻo và thơm ngọt lạ thường.
Trong tâm thức của người dân tộc Thái, những chiếc niếng, xanh đồng trong nhà rất thiêng. Họ cho rằng chúng cũng có hồn vía. Nếu có người nói lời không hay khi nấu bằng niếng thì sẽ có những chuyện kỳ lạ xảy ra. Dân làng Lác còn truyền tai nhau khá nhiều chuyện vui về chiếc niếng này.
Mỗi khi có đám cưới xin, ma chay, giỗ chạp, người làng Lác đều tới nhà ông Tân mượn niếng. Người mượn phải mang cho gia chủ một mâm cơm, gồm chai rượu, đĩa thịt và 3 gói xôi, gọi là lễ cúng hồn niếng, để mang nó ra khỏi nhà. Ông Tân cười bảo: "Nhà nào mượn mà không cúng thì nó cũng 'giở trò' một chút đấy".
Theo ông Tân, nếu không mang cơm cho chủ nhà thì xôi sẽ hỏng, phía trên chín nhưng phía dưới sống. Khi đó, nhà đi mượn phải tức tốc mang cơm đến cho chủ chiếc niếng, rồi đổ xôi đi và nấu lại. Trong quá trình nấu, phải luôn luôn dùng tay để đẩy củi vào bếp, nếu dùng chân thì xôi cũng hỏng.
Bà Hà Thị Lệ, hàng xóm nhà ông Tân, nói rằng bà từng chứng kiến hậu quả này ở đám cưới người cháu trong làng. Trong lúc nấu xôi, người làm bếp nói một câu bậy bạ, tự dưng gạo trong chiếc hoong tung lên, sôi sùng sục nhưng cuối cùng không chín. Dân làng biết vậy nên mỗi khi mượn đồ, ai cũng cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, không có những hành động khiếm nhã khiến chiếc niếng "nổi giận".
Nghe đồn về chiếc niếng, nhiều kẻ gian cũng nhòm ngó vì cho rằng vật thiêng sẽ bán được giá. Nhiều người truyền miệng, có lần bọn trộm khiêng niếng ra khỏi làng, nhưng rồi tự nhiên bị chảy máu mũi, không mang ra được đành vứt lại giữa đồng. Lần đó, chiếc niếng bị sứt mất một miếng nhỏ ở miệng nhưng đồ xôi vẫn ngon. Để cho chắc chắn, ông Tân cất niếng lên gác nhà cùng với những món đồ đồng của gia đình.
Trong vùng, nhiều chiếc niếng, chiếc xanh bằng đồng được giá bị người dân đem bán. Nhiều gia đình chuyển sang nấu nồi quân dụng, hoặc dùng niếng bằng nhôm. Riêng nhà ông Tân, niếng to, niếng nhỏ bằng đồng vẫn đủ cả.
Chủ nhà cho biết, nhiều người buôn đồng từ các nơi đến mua nhưng ông không bán. Thậm chí có người đánh xe từ Hà Nội vào trả cả trăm triệu đồng nhưng ông nhất quyết giữ lại. Ông bảo, trước khi ông cụ thân sinh mất, từng dặn dò dù có chuyện gì cũng phải giữ cho bằng được báu vật của gia đình. "Nó là vật vô giá nên có trả cao mấy cũng không bán", người đàn ông Thái thật thà chia sẻ.
Người dân bản Hiêu (Pù Luông) còn giữ được chiếc nồi đồng cổ nặng gần trăm cân mà dân làng vẫn gọi là "nồi cơm Thạch Sanh". Nồi và niếng tạo thành một cặp "báu vật" của Pù Luông. Ông Hà Thanh Ba, trưởng thôn, nói: "Tất cả 41 hộ dân bản Hiêu đều mang họ Hà, uống chung nước suối Hiêu, ăn cơm chung trong nồi đồng cổ".
Năm 1949, đồn Cổ Lũng được giải phóng, chính quyền xã giao cho bản Hiêu chiếc nồi đồng cổ tịch thu từ nhà quan lang để người dân bảo quản. Từ đó trở đi, chiếc nồi được coi như vật quý của làng, có việc gì đều mang ra dùng.
Chiếc nồi cao 1 m, đường kính hơn 1 m, đáy trũng sâu có thể nấu cho 200 người ăn cùng một lúc. Nồi nặng 84 kg, phải 4 thanh niên to khỏe cùng nhấc mới nổi, trên nồi có hình đôi rắn quấn vào nhau.
|
Chiếc nồi đồng cổ nặng 84 kg ở bản Hiêu có thể nấu được cho 200 người ăn cùng lúc. Ảnh:Hoàng Phương.
|
Trong ký ức của anh Hà Văn Tùng (35 tuổi), hồi nhỏ đi ăn cỗ cưới, anh đã thấy người ta cắt thịt cả hai con bò rồi cho vào chiếc nồi vẫn vừa. Để làm nóng được nồi, lúc đầu rất tốn củi đun nhưng khi lửa đã bén, thức ăn chín rất nhanh. Để múc đồ, phải dùng những chiếc muỗng dài cả mét thì mới múc được.
Người bản Hiêu quan niệm, khi nấu thức ăn phải dùng nước suối Hiêu thì cơm, canh mới ngon ngọt. Xong việc, người dân mang nồi ra suối rửa sạch sẽ rồi đem cất. Trước đây, nồi được để ở hội trường thôn, sau nhà nào có việc thì khiêng về, chỉ cần bảo quản, không làm sứt mẻ là được.
Người dân nơi đây coi chiếc nồi như một phần hồn của bản. Chưa bao giờ thấy ai có ý kiến mang bán chiếc nồi hoặc có ý định nấu chảy thành đồng, dù nó khá to và nặng, chiếm một phần lớn góc nhà. Thời kỳ chiến tranh, nồi được dân đào hầm chôn giấu kỹ để tránh bị đập phá và nấu chảy để lấy đồng.
Ông Ba kể, năm 2009 có nhóm buôn đồng ở xa đến hỏi mua chiếc nồi với giá 60 triệu đồng. Dân làng đưa việc này ra họp bàn với nhau nhưng không ai đồng ý bán. "Cả làng tôi bảo, tiền nhiều thì cũng quý nhưng không quý bằng chiếc nồi của bản Hiêu", vị trưởng thôn kể.
Ông Lục Hồng Quân, cán bộ phụ trách văn hóa xã Cổ Lũng cho hay, dân quanh vùng này đều biết về chiếc niếng và nồi đồng cổ. Đó là những hiện vật từ thời phong kiến ở trong nhà quan lang, trải qua biến cố, hiện được nhân dân gìn giữ, bảo vệ.
"Những hiện vật có giá trị lịch sử như cồng, chiêng, xanh, niếng... bằng đồng gần gũi đời sống và có giá trị lịch sử, văn hóa vùng miền cao. Chính quyền xã quán triệt người dân không bán mà giữ lại cho thế hệ sau. Do đời sống khó khăn, nhiều món đồ đã bị người dân bán đi gần hết. Hiện chỉ còn chiếc niếng cổ do gia đình ông Tân giữ và chiếc nồi đồng ở bản Hiêu là còn nguyên vẹn", ông Quân nói.
Hoàng Phương