Các máy bay này luân phiên bay lượn nhiều vòng phía trên biên đội tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam.
Sáng 20/6, biên đội tàu Kiểm ngư và CSB Việt Nam tiếp tục tiếp cận khu vực nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Các biên đội tàu tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách 9,9 hải lý, tuyên truyền qua kênh liên lạc chung của quốc tế VHF-16 bằng tiếng Việt và tiếng Trung, khẳng định chủ quyền vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc rút các tàu hộ tống và giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc vẫn hung hăng tìm cách đâm húc tàu Việt Nam.
Trong buổi sáng, xuất hiện 3 máy bay chiến đấu luân phiên bay trên biên đội tàu Kiểm ngư và CSB của Việt Nam.
Trực thăng được cho là dòng Z-9C của Trung Quốc
Máy bay trinh sát cỡ lớn hai động cơ phản lực của Trung Quốc bay liên tục trên biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam
Tàu CSB 4032 của Việt Nam (thứ hai từ trái sang) bị 3 tàu Trung Quốc hung hăng lao tới uy hiếp. Có những lúc khoảng cách chỉ còn 20 m, tàu CSB Việt Nam đã tránh kịp nên không bị đâm húc
Đầu tiên là chiếc trực thăng được cho là dòng Z-9C, mang số hiệu 9237. Trực thăng Z-9C có thể trang bị tên lửa đối hải C-802 và ngư lôi 324 mm, bay ở độ cao 150 - 200 m so với mực nước biển.
Tiếp theo là máy bay tiêm kích SU-30 MKK, sau đó máy bay trinh sát cỡ lớn loại hai động cơ phản lực bay lượn nhiều vòng quanh khu vực giàn khoan và đội hình biên đội tàu của lực lượng Kiểm ngư và CSB Việt Nam.
Ngoài ra, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam còn phát hiện thêm 2 tàu quét mìn chưa rõ số hiệu đang thả trôi gần khu vực giàn khoan.
Phổ biến tình hình an ninh Biển Đông tới công chúng
"Tình hình an ninh Biển Đông hiện nay" là chủ đề cuộc tọa đàm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo công chúng.
Trong cuộc tọa đàm này, Thiếu tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) đã trao đổi, phân tích, lý giải xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đồng thời nêu giả thiết về kế hoạch, động thái của chính quyền Trung Quốc từ nay đến ngày 15/8.
Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng khẳng định rõ các chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay, sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với Việt Nam.
Cuộc tọa đàm nhằm giúp công chúng hiểu biết và nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề Biển Đông, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, cũng như ý thức trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc phát huy sức mạnh chính nghĩa của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tình hình Biển Đông đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam xảy ra gần hai tháng nhưng vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt," Trung Quốc vẫn ngoan cố không chịu rút giàn khoan.
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải và hòa bình, ổn định của khu vực, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam và tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Việt Nam luôn kiên trì các biện pháp đấu tranh hòa bình, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.
Trong các nhóm giải pháp đấu tranh trong vụ việc giàn khoan thì nhóm giải pháp thứ 3 chính là đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực, khách quan cho nhân dân trong nước, cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam.