Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, cả thành phố ghi nhận 86 trường hợp mắc sốt xuất huyết, phân bố rải rác tại các quận, huyện. So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm 50%.
Tuy nhiên, thông thường theo chu kỳ 4-5 năm dịch bệnh quay trở lại bùng phát. Năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009- năm Hà Nội bùng phát dịch sốt xuất huyết. Vì thế, các chuyên gia lo ngại dịch có thể tiếp tục gia tăng trong tháng 8 tới.
Đặc biệt, trong tuần qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã tăng tăng 11 ca so với tuần trước đó. Thủ đô cũng ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên trong năm 2014 tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy với 8 người mắc. Cả 8 ca này mắc gần nhau, nằm ở 4 tổ dân phố. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cùng với y tận quận Cầu Giấy và trạm y tế phường Yên Hòa đã tiến hành xử lý ổ dịch, phun thuốc diệt muỗi ngay tại 4 tổ dân phố. Ngày 22/7 vừa tiến hành phun lần 2. Dự kiến ngày 26/7 sẽ phun toàn phường Yên Hòa.
Hà Nội xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết đầu tiên (Ảnh minh họa)
Theo ông Cảm, việc xuất hiện chùm ca bệnh đầu tiên là dấu hiệu cảnh báo dịch có thể bùng phát nếu không kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Sốt xuất huyết chưa có văcxin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và ngủ màn phòng muỗi đốt.
Trong tháng 8 và 9 tới, thành phố sẽ tiến hành chiến dịch vệ môi trường, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi đợt 2 tại 100% xã phường. PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10. Chu kỳ của dịch khoảng 3-5 năm một lần.
Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra. Tích luỹ từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 12.313 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố. Có 8 trường hợp tử vong; trong đó nhiều nhất ở thành phố Hồ Chí Minh 3 ca; các tỉnh Bình Dương, Cà Mau, Bìn; h Phước, Phú Yên và Đồng Nai mỗi nơi 1 ca.
So với cùng kỳ năm 2013, số mắc giảm hơn 51%, tử vong giảm 8 trường hợp. “Tuy nhiên chúng ta không được lơ là chủ quan và phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là diệt muỗi, diệt bọ gậy/lăng quăng. Không có bọ gậy/lăng quăng, không có sốt xuất huyết”, tiến sĩ Dương nhấn mạnh. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khoảng 3 tỷ người sống tại các vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành với 50-100 triệu ca mắc và tỷ lệ chết/mắc lên tới 2,5% hàng năm.