Theo đó, hàm lượng bụi lơ lửng, dặc biệt là khí CO (cacbon monoxitE) trong không khí tại các khu vực như An Sương, Hàng Xanh, Gò Vấp, xa lộ Hà Nội… vượt mức tiêu chuẩn 1,2-22,2 lần với so với năm 2014.
Đặc biệt, chỉ số bụi đo được tại Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, từ mức 486 microgam/M3 năm 2014 tăng lên 613,83 microgam/m3 trong năm nay.
|
Người dân thường xuyên hứng chịu những cơn "bão bụi" trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: Trường Nguyên. |
Bên cạnh đó, 89% mẫu kiểm tra không khí không đạt tiêu chuẩn cho phép, luôn ở mức nguy hại cao cho sức khỏe con người. Nồng độ khí SO2 tại trạm quan trắc huyện Bình Chánh ghi nhận là 150,8 microgam/m3, cao hơn tiêu chuẩn.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguy hiểm nhất là chất CO có thể gây chết đột ngột khi tiếp xúc. Hít thở khí này thời gian dài có thể gây nhiều bệnh về hô hấp. Ngoài ra, trong giao thông đô thị còn sinh ra benzel lơ lửng trong không khí, nếu tích tụ trong cơ thể lâu ngày có thể gây ung thư.
“Cách tốt nhất để bảo vệ mình là người dân tránh ra đường những lúc đông đúc, nơi kẹt xe trầm trọng. Khi lưu thông, nên mang khẩu trang có than hoạt tính để lọc bụi bẩn. Có thể trồng cây, hoa nơi mình sống tạo mảng xanh trong lành.
Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Quan trọng là TP phải có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng ngập nước, kẹt xe trong thời gian tới mới giải quyết được vấn đề ô nhiễm này”, ông Bá cho biết.
|
Ùn tắc giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP HCM. Ảnh:Trường Nguyên. |
Chất lượng nguồn nước tại TP HCM cũng đang ô nhiễm trầm trọng. Tại các điểm quan trắc, các chỉ tiêu như độ pH, độ mặn… có xu hướng tăng cao.
Nhiều tuyến kênh chính của TP vừa được đánh giá là hồi sinh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm… có dấu hiệu ô nhiễm trở lại khiến cá chết hàng loạt. Những tuyến kênh này cùng sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm vi sinh vật và hàm lượng coliform vượt quá quy chuẩn Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, sống trên đường Hoàng Sa, ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bức xúc: “Mỗi khi mưa to thì hàng chục nghìn con cá nổi lên mặt nước rồi chết trắng bụng. Có người lợi dụng thời mưa để xả thải gây ô nhiễm nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng không giải quyết được vấn đề này".
|
Thời gian vừa qua, TP HCM thường xuyên bị sương mù, khói bụi bao phủ. Ảnh: Trường Nguyên. |
Về ô nhiễm âm thanh, các trạm quan trắc ghi nhận mức ồn dao động 55,09 - 79,30 dBA (quy chuẩn cho phép tối đa 70 dBA). Các mức ồn vượt chuẩn tập trung tại 9 trạm quan trắc (theo thứ tự tăng dần): đường Hồng Bàng, vòng xoay Hàng Xanh, đường Thống Nhất, huyện Bình Chánh, vòng xoay Phú Lâm, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, ngã 6 Gò Vấp và vòng xoay An Sương.
Ghi nhận tại tại trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội, hướng từ quận Thủ Đức vào trung tâm TP HCM cho thấy, khu vực này đang bị ô nhiễm bụi cực kỳ nghiêm trọng. Theo đó, nhiều xe ben, tải thường xuyên làm rơi vãi đất đá, gặp trời mưa lớn khiến chúng đóng cục vào nhão.
Đến lúc trời nắng, các loại xe lớn chạy qua khiến bụi cuốn lên mù mịt làm người tham gia giao thông hứng chịu. Tại đây cũng bị ô nhiễm âm thanh trầm trọng vì các loại xe lớn thường xuyên sử dụng còi to để giành đường.
|
Người dân nên sử dụng khẩu trang có than hoạt tính khi lưu thông trên đường để giảm tác hại của ô nhiễm. Ảnh: Trường Nguyên. |
Anh Nhất Hoàng, người thường xuyên di chuyển qua khu vực này bức xúc: “Mặt đường lúc nào cũng đóng lớp bụi dày. Xe ben, xe bồn chạy tốc độ cao cuống bụi lên khiến người lưu thông gần như nhắm mắt để đi qua".
Nhiều khu vực ở quận Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Phú Nhuận nằm dưới đường bay của Tân Sơn Nhất phải chịu đựng nhiều năm tiếng động cơ máy bay gầm rú lúc cất - hạ cánh.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, TP HCM luôn trong tình trạng bị sương mù bao phủ suốt ngày, trong đó có tình trạng “mù khô” do ảnh hưởng của cháy rừng từ Indonesia. Theo cơ quan chức năng, tình trạng này gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là những bệnh liên quan đến hô hấp.
Giáo sư Lê Huy Bá nhận định, để giảm tình trạng ô nhiễm không khí và kẹt xe như hiện nay, TP phải siết chặt quản lý nguồn nước, đặc biệt xử lý nghiêm những trường hợp xả thải ra môi trường từ các khu công nghiệp, nhà xưởng.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch nâng cao dịch vụ vận tải công cộng như xe buýt, metro để từ đó hạn chế người dân sử dụng xe cá nhân.
Mức độ gây độc CO:
CO không khí (ppm)
|
Hb.CO trong máu(UI)
|
Mức độ gây độc
|
50
|
0,07
|
Nhẹ
|
100
|
0,12
|
Độc vừa, chóng mặt
|
250
|
0,45
|
Buồn nôn, nôn, trụy tim mạch
|
1000
|
0,60
|
Hôn mê
|
10.000
|
0,95
|
Tử vong
|
(Nguồn: WHO, 2007, GS Lê Huy Bá cung cấp).