Chị Hường, người quay và đăng clip cho hay, chiều hôm đó chị đang đi làm về thì thấy 3-4 thanh niên từ trên ôtô 16 chỗ nhảy xuống nhấc bổng người đàn ông đang bế một cháu trai và dắt một cháu gái đưa vào xe. Hai cháu bé gào khóc nhìn ra cửa cầu cứu, còn người đàn ông thì không có phản ứng gì vì bị vài thanh niên khác chắn tay canh chừng.
|
Bé gái gào khóc sau trên ôtô sau khi bị bắt lên ôtô. |
Khi bị người dân chặn xe yêu cầu mở cửa thả người vừa bị bắt, một trung niên mặc loại áo ngủ màu trắng liên tục bấm điện thoại, tự xưng là người của "bảo trợ xã hội" và nói làm như vậy "tự chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Vài giờ xuất hiện, clip đã nhận được chia sẻ của nhiều độc giả. Phần lớn người xem đều tỏ ra bức xúc trước việc bắt người giữa ban ngày. Một số cho rằng, kể cả đó là 3 bố con ăn xin thì cũng không thể hành xử thô lỗ như vậy. Hơn nữa, nếu là người của bên bảo trợ xã hội thì cần mặc đồng phục hoặc có giấy tờ chứng minh đang thi hành công vụ.
Nghi ngờ về hành vi của nhóm này, người dân đã báo công an. Theo chị Hường, khi công an đến, 3 người bị bắt cùng nhóm người đi trên ôtô 16 chỗ đã được mời về trụ sở.
Ba người bị bắt lên xe được xác định là bố con (bố 30 tuổi, hai con nhỏ được 2 và 3 tuổi). Còn người đàn ông mặc áo trắng tên Duy, là người lái ôtô 16 chỗ đưa nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 Hà Nội đi thực hiện nhiệm vụ.
|
Khi bị người dân quây kín xe đòi thả người, tài xế này cho biết mình là nhân viên của trung tâm bảo trợ xã hội. |
Chiều 15/8, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 1 (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay, chiều 14/8, nhóm nhân viên của trung tâm đi qua phường Ngọc Thụy phát hiện một người đàn ông và 2 cháu nhỏ đang bán tăm.
Sau khi theo dõi khoảng một tiếng, thấy 3 người này lợi dụng việc bán tăm để xin tiền nên nhân viên đã yêu cầu họ về trung tâm nhưng bị khước từ. "Ngay sau đó, nhóm nhân viên đã tiến hành cưỡng chế”, ông Quảng nói.
Theo giải thích của vị phó giám đốc, trẻ em được xác định là lang thang, cơ nhỡ, ăn xin là những người nhỏ tuổi, di chuyển thường xuyên ở các phường, chợ, khu vui chơi giải trí để bán tăm, kẹo... với mục đích xin tiền, xin ăn.
|
Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội số 1. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
"Nhân viên trung tâm có quyền yêu cầu, cưỡng chế trẻ em lang thang, cơ nhỡ, ăn xin theo quyết định của thành phố. Nhưng trong quá trình làm việc, nhóm này đã thiếu kinh nghiệm, không giải thích rõ khiến người dân hiểu lầm, bức xúc", ông Quảng thừa nhận.
Cũng theo ông Quảng, theo đúng quy trình, các nhân viên phải phối hợp với công an phường Ngọc Thụy yêu cầu 3 bố con này về trung tâm, đồng thời giải thích rõ ràng cho người dân.
Nói thêm về nhóm nhân viên rà soát, theo dõi, yêu cầu trẻ em lang thang cơ nhỡ về trung tâm, ông Quang cho biết thêm, họ gồm 15 người được phân địa bàn các quận, huyện của Hà Nội cũ. Khi theo dõi thấy trẻ em lang thang, ăn xin nhân viên sẽ phối hợp với công an phường sở tại yêu cầu về trung tâm.
theo news.zing.vn