Video đồ họa dài gần 5 phút lan truyền bắt đầu từ cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Pháp có tên "Le vietnamien, c'est pas du chinois!" (tạm dịch: “Vietnamese, it’s not Chinese!” hay “Người Việt Nam, chứ không phải người Trung Quốc”) mang đến góc nhìn thú vị về lịch sử và sự ảnh hưởng văn hoá của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế là các du học sinh của Việt Nam thường xuyên bị nhầm với người Trung Quốc, không chỉ du học sinh ở Châu Âu mà cả ở Châu Á. Tác giả của clip đã tìm hiểu và nghiên cứu khá nhiều tài liệu khác nhau để chỉ ra những điểm khác biệt của người Việt Nam giúp cho cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng phân biệt.
Clip ban đầu đưa ra những lý do khiến bạn bè quốc tế bị nhầm lẫn như: hình dáng của người châu Á nhìn chung thường giống nhau, hay thói quen ăn bằng đũa, sở thích làm việc, giỏi Toán học thuật…
|
Sự giống nhau của người Việt Nam và Trung Quốc từ thói quen dùng đũa trong bữa ăn... |
|
... đến sự giống nhau trong cách làm việc. |
Tiếp theo, tác giả chỉ ra những nét khác nhau về vị trí địa lý, về sự kế thừa, tiếp nối của âm tiếng Việt, ngữ nghĩa và chữ viết của dân tộc mình. Theo đúc kết của tác giả thì "tiếng giống Thái, văn hóa giống Tàu và chữ viết giống Tây".
Năm 1961 đánh dấu một mốc quan trọng, chữ Quốc ngữ bắt đầu được biết đến sau khi De Rhodes soạn ra cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Đào Nha - Latinh. Tiếng Việt có 29 chữ cái, 17 phụ âm và 12 nguyên âm kèm theo những thanh điệu hết sức phong phú bởi các dấu hỏi, huyền, sắc, ngã, nặng.
|
Sự khác biệt về phong tục và các nét văn hóa. |
|
Sự khác biệt về chữ viết |
Sau hơn 20 ngày xuất hiện trên mạng chia sẻ YouTube, hai phiên bản clip phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh có tổng pageview gần 70 nghìn lượt xem, 2.500 lượt like cùng hơn 650 bình luận, tranh cãi sôi nổi. Không chỉ được cộng đồng trẻ Việt Nam đón nhận rất hào hứng mà clip còn lan tỏa tới cộng đồng du học sinh các nước khác như Anh, Úc, Mỹ…
Bạn Minh Quốc chia sẻ: “Clip này hay quá. Mình mới đi hội nghị ở Trung Quốc về, gặp ai họ cũng nói tiếng Trung với mình vì nghĩ là người Trung Quốc. Sau đó mình đành giải thích thì họ mới chịu nói sang tiếng Anh”.
Một số bạn thì hào hứng đóng góp những đặc điểm nhận dạng khác. “Người Việt mình đa phần là mắt 2 mí, trong khi Trung Quốc thì mắt 1 mí mà” - bạn Thế Hoàng bổ sung.
Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, có không ít ý kiến cho rằng clip trên chưa hoàn hảo bởi tác giả chưa giới thiệu được nhiều những nét truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như một số điểm còn quá sơ sài.
Có nhiều bạn nhận xét việc tác giả tổng kết: "nói như người Thái, văn hóa như người Tàu, chữ viết như người Tây" khiến bạn bè quốc tế sẽ đánh giá rằng Việt Nam chỉ là sự pha trộn của nhiều nền văn hóa khác nhau, chỉ học tập bắt chước chứ không hề có sự sáng tạo phát triển. Một nickname bày tỏ ý kiến: "Việc tiếp thu văn hóa đáng tự hào chứ, nhưng tác giả không nói rõ ra, mà quy hết văn hóa của mình ra là giống ngoại bang, rồi kết một câu "Tôi là người Việt Nam" làm người nước ngoài xem sẽ hiểu sai thành Việt học mót tiếng từ Thái, văn hóa từ Tàu, chữ từ Tây, trong khi sự thật không phải như thế".
Tác giả clip cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý khá hữu ích như: "Clip rất hay tuy nhiên mình không thích phần sub khi gọi người Trung Hoa là người Tàu, mình nghe nói từ này nhiều người Hoa không thích gọi họ như vậy"; "nên giới thiệu thêm về Hoàng Sa, Trường Sa"; "Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc của Việt Nam cũng có ảnh hưởng nhiều của Ấn Độ mà nhiều người chưa biết là của Ấn Độ"...
Qua tìm hiểu của chúng tớ, clip này là phần 1 trong bài tốt nghiệp của du học sinh Việt tại Pháp có nickname Beau Néon (Vu-Tuan-Dang Tran, 22 tuổi). Bạn ấy đang là sinh viên của trường E-art Sup Institute Paris ngành Đồ họa.
Cùng iOne nghía một góc phác họa về Việt Nam cũng như những kiến thức lịch sử rất đặc trưng nhé.
Linh Mây