|
Trong năm qua, nhân viên tín dụng và cả huy động vốn của nhiều ngân hàng khá nhàn rỗi |
Phóng viên đã trao đổi với một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng trên và được biết, do lợi nhuận năm ngoái sụt giảm mạnh và dự báo năm nay vẫn còn khó khăn, nên ngân hàng buộc phải tính đến việc cắt giảm nhân sựtrong những tháng sắp tới.
Tại một ngân hàng khác, nhân viên ngân hàng cho hay, lãnh đạo cấp cao có chủ trương: những ai có cả vợ và chồng cùng đang công tác, thì một trong hai phải nghỉ. Bởi lẽ, ngân hàng đang gặp khó khăn.
Chính sách cắt giảm lương, thưởng và kể cả với việc tinh giảm bộ máy để giảm áp lực chi phí tuy không còn gây bất ngờ ở các ngân hàng thương mại, song theo lãnh đạo một ngân hàng, năm 2013, làn sóng này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi hoạt động của ngành còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đáng chú ý, nợ xấu tăng cao và chưa có hướng giải quyết cụ thể, tín dụng khó tăng thì nhà băng khó có thể giữ nguyên bộ máy hoạt động. Thực tế, trong năm qua, nhân viên tín dụng và cả huy động vốn của nhiều ngân hàngkhá nhàn rỗi, không ít thời điểm “ngồi chơi, xơi nước” khi không thể đẩy mạnh cho vay như trước.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP. HCM cho rằng, khi có khó khăn thì một trong những giải pháp mà các nhà băng thường lựa chọn đó chính là tinh giảm bộ máy. Bởi lẽ, chính sách cắt giảm lương, thưởng chỉ có thể duy trì được trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, thị trường tài chính - ngân hàng dự báo còn phải đối mặt với không ít thách thức, cho đến khi nào nợ xấu được giải quyết, khi đó dòng chảy tín dụng mới được khơi thông trở lại.
“Nếu giảm lương, thưởng, người lao động sẽ không còn nhiều hưng phấn để cống hiến cho ngân hàng. Việc cắt giảm nhân sự sẽ làm cho những người còn lại phấn đấu để tránh bị loại”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.
Đối với OCB, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàngnày chia sẻ, OCB cũng khó có thể tránh khỏi khó khăn trước tình hình hiện nay, song ngân hàng không có chủ trương cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, đối với lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán 2013, ông Tuấn cho biết, khó có thể kỳ vọng ở mức cao. Bởi kết quả hoạt động của ngân hàng năm qua không như mong đợi, lợi nhuận thu về không đạt chỉ tiêu, do chi phí trích lập dự phòng tín dụng tăng cao khi nợ xấu tăng theo tình hình chung của ngành.
Ảnh hưởng từ việc “siết” mạng lưới
Ngoài khó khăn của thị trường thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “siết” lại mạng lưới hoạt động của các ngân hàng, cũng như chủ trương thực hiện, đẩy mạnh đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng đang khiến không ít nhân viên trong ngành “nhấp nhổm”, đặc biệt là ở những ngân hàng yếu chuẩn bị sáp nhập.
Mới đây, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên thử việc. Số nhân viên này, theo ông Toại là do ACB tuyển về, đào tạo từ một năm nay cho kế hoạch phát triển, mở rộng mạng lưới của Ngân hàng năm 2013. Tuy nhiên, chờ đợi một thời gian dài, nhưng NHNN đã không chấp thuận cấp phép cho các điểm giao dịch, chi nhánh mới. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động với các nhân viên thử việc của ACB là điều không mong muốn, vì bản thân ACB cũng chịu thiệt hại khi bỏ không ít chi phí, tiền lương cho số nhân sự này.
Theo như kế hoạch ban đầu của ACB, đến cuối năm 2012, toàn hệ thống sẽ phát triển từ con số 334 lên 350 chi nhánh, phòng giao dịch. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế suy thoái, chưa thể phục hồi ngay, nên NHNN khuyến cáongân hàng không mở thêm phòng giao dịch, chi nhánh.
Tại SeABank, ngân hàng này từng bị nhân viên viết đơn nặc danh “tố” bị cắt giảm nhân sự vào thời điểm gần cuối năm 2012. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng này đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho biết, SeABank vẫn có kế hoạch tuyển dụng hơn 700 nhân viên.
Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, năm 2013, các ngân hàng sẽ tinh giảm hơn nữa bộ máy, do khó mở chi nhánh, khó cho vay và nợ xấu tăng. Để có thể thành công khi sàng lọc nhân viên, các nhà băng cần phải thận trọng và khéo léo, tránh làm biến động trong nội bộ.
Theo Đầu tư Chứng khoán