Tiếp sau các thương vụ đình đám như Phở 24, Highlands Coffee bán cho Jollibee hơn 20 triệu USD, Masan huy động cả tỷ USD từ nhiều công ty tài chính nước ngoài là các “tin đồn” liên quan đến các vụ mua bán của những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Vinamit, Trung Nguyên hay Kinh Đô. Trong hơn 4 năm qua, Tân Hiệp Phát luôn là cái tên được “săn mua” nhiều nhất nên trong làn sóng M&A cao trào hiện nay, cái tên này lại được đưa ra để “định giá”.
|
Tân Hiệp Phát là công ty lớn nhất thị trường với các sản phẩm trà đóng chai, nước tăng lực và bia. |
Mặc dù bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát đã phủ nhận việc rao bán thương hiệu này nhưng thị trường vẫn tiếp tục có những đồn đoán xung quanh mức giá mà các nhà đầu tư sẵn sàng trả để được sở hữu công ty này.
Công ty nghiên cứu thị trường ACNielsen đánh giá Tân Hiệp Phát là công ty lớn nhất thị trường với các sản phẩm trà đóng chai, nước tăng lực và bia. Công ty này thường không công bố doanh số nhưng nếu dự tính của Nielsen về thị phần 24% của toàn bộ thị trường đồ uống nhẹ trị giá 2,2 tỷ USD là đúng, thì doanh số củaTân Hiệp Phát vào khoảng 500 triệu USD. Con số này chưa bao gồm bia và sản xuất chai nhựa PET bán cho các công ty khác, vốn chiếm 10% tổng doanh số củaTân Hiệp Phát.
Thương hiệu tỷ đô của Việt Nam được định giá như thế nào?
Phân tích trường hợp của Tân Hiệp Phát có thể nhìn nhận lại thương vụ bán Phở 24. Giới kinh doanh gần như chỉ biết đến giao dịch M&A giữa Highlands Coffee vàPhở 24 khi nó kết thúc với việc 100% vốn cổ phần Phở 24 thuộc về Highlands Coffee. Giả định giá giao dịch đúng là hơn 20 triệu USD như lời đồn đại trong giới đầu tư tài chính thì cũng khó đánh giá mức này là cao hay thấp.
Tùy vào động cơ và chiến lược của bên mua mà giá trị tích hợp lớn hay nhỏ. Nếu chủ sở hữu mới khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của họ ở Philippines và dùng nó khai thác thị trường thế giới, khi đó dòng tiền tương lai sẽ rất lớn và con số 20 triệu USD có thể được coi là không hề đắt.
Cách đây vài năm, các thương vụ mua bán thương hiệu của Việt Nam đã diễn ra. Tiêu biểu có thương vụ Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S với giá 5 triệu USD; Colgate mua lại thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan với giá 3 triệu USD...
Từ đó đến nay, mỗi năm có tới hàng nghìn doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc có nhu cầu thay đổi về quyền sở hữu, cơ cấu lại vốn, đã kéo theo nhu cầu về định giáthương hiệu. Các “tin đồn” liên quan đến việc mua bán các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Masan, Vinamilk... vì thế đang bùng phát kèm theo hàng loạt vụ mua bán có thực như Phở 24, Highlands Coffee, Tribeco hay Diana...
|
Thương vụ giữa Highlands Coffee và Phở 24 được đòn đoán có giá lên tới 20 triệu USD. |
Trong vòng 3 năm trở lại đây, Masan Group (MSN ) đã huy động được hơn 1 tỷ USD vốn (cả vốn vay và vốn cổ phần), chủ yếu từ các định chế tài chính - một kỷ lục đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Danh sách các đối tác của Masan có: BankInvest, Quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital rót thêm 9 triệu USD vào Masan Food, TPG (Texas Pacific Group), House Foods, Mount Kellet và Richard Chandler Corporation, thậm chí có các khoản vay từ IFC và Goldman Sachs. Sự kiện của Masan cho thấy khả năng “rao bán” thương hiệu Việt với giá tỷ USD là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là các vụ mua bán nở rộ trong thời điểm hiện nay cho thấy, hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đã đuối sức trong khó khăn, hoặc các nhà đầu tư quốc tế cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để mua rẻ hoặc thâu tóm cácthương hiệu tốt của Việt Nam.
Chẳng hạn, năm 2011, Viễn Thông A bán 30% cổ phần cho DTMobile, mộtthương hiệu lớn trong ngành bán lẻ thiết bị viễn thông Nhật Bản. Việc mua bán này giúp cho Viễn Thông A có được một lực đẩy lớn để phát triển.
Tuy nhiên, dường như các cuộc mua bán vẫn không dừng lại. Thời gian gần đây, Viễn Thông A liên tục gặp gỡ các đối tác khác và trở thành thương hiệu được “săn mua” nhiều trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ. Theo bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, khẳng định: “Tuy nhiên, cần lưu ý là chúng tôi mua bán chứ chắc chắn không sáp nhập”, bà Vy khẳng định..
Với trường hợp nhượng 30% cổ phần cho TDMobile trong năm 2011, TDMobile có tham gia vào Hội đồng quản trị cũng như Ban giám đốc của Viễn Thông A. Thấy được tiềm năng từ Viễn Thông A, nhiều thông tin đưa ra cho thấy TDMobile đã có ý định mở rộng hợp tác, mua thêm cổ phần nhưng Viễn Thông A vẫn còn để ngỏ lời đề nghị này.
“Xu hướng bán công ty, thương hiệu Việt cho nước ngoài trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng là một cảnh báo tốt với giới doanh nhân Việt Nam. Họ cần phải tư duy lại về vai trò của mình với doanh nghiệp, cần xác định rõ động cơ kinh doanh kiếm tiền hay tự hào dân tộc, hay cả hai? Sáng lập, chủ sở hữu hay điều hành, hay kết hợp?
Người Việt vốn thường xuất thân là kinh tế gia đình, nên việc định vị các yếu tố này thường không rõ ràng và vì thế thường có cảm giác đánh mất công ty khi bán doanh nghiệp. Đã đến lúc họ cần định vị lại vai trò của cá nhân đối với doanh nghiệp trong một nền kinh tế thị trường và tách biệt sở hữu điều hành là việc hết sức bình thường”, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masso Consultingđặt vấn đề.
Theo Doanh nhân Sài Gòn