Anh Tuấn chỉ là một trong rất nhiều nhân viên của công ty sữa số 1 Việt Nam đang buồn rầu và bức xúc về vụ phủ quyết phát hành cổ phiếu ưu đãi của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại đại hội cổ đông vừa diễn ra. Hai năm nay, kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên của Vinamilk vẫn bị cổ đông lớn nhất là SCIC từ chối thông qua. Lý do được ông Lê Song Lai - đại diện SCIC tại Vinamilk chia sẻ là “sợ tỷ lệ cổ phần của SCIC bị pha loãng, khoảng 1,2%".
|
Ông chủ của Vinamilk không thích ưu đãi cho nhân viên vì sợ cổ phiếu bị pha loãng. |
So với Masan, Vinamilk là công ty có giá trị vốn hóa lớn hơn (5 tỷ USD so với 3,7 tỷ USD), tổng lợi nhuận làm ra trong năm 2012 cũng cao hơn (6.900 tỷ so với 2.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong khi Masan rộng rãi với các khoản phát hành ưu đãi cho nhân viên thì hãng sữa số 1 Việt Nam ngược lại.
Với dự kiến phát hành khoảng 200 tỷ đồng cổ phiếu theo mệnh giá, tổng giá trị theo thị trường mà Masan ưu đãi cho người lao động khoảng 2.200 tỷ đồng, căn cứ vào những đóng góp của từng người cho sự phát triển của công ty.
Trong khi đó, phía Vinamilk đưa ra một kế hoạch phát hành khá ngặt nghèo bởi việc phát hành phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí về tăng trưởng và nếu không đạt thì không được phát hành như: nếu tốc độ tăng trưởng kép bình quân của lợi nhuận trước thuế là 21% tính từ 2011 thì phát hành 0,4% vốn điều lệ /năm cho giai đoạn này; từ 16% đến dưới 21% phát hành 0,2% vốn điều lệ /năm; còn nếu tốc độ này dưới 16% thì không phát hành ESOP… Tuy nhiên, kế hoạch của Vinamilk đã bị SCIC (cổ đông chiếm 45% vốn) từ chối.
Chị Hằng – một nhân viên của Vinamilk tại TP.HCM tâm sự, cá nhân chị cũng như không ít nhân viên khác rất bức xúc vì 2 năm liên tiếp kế hoạch phát hành ưu đãi cho người lao động không được thông qua mà không nhận được những lý do thỏa đáng từ SCIC. “Tôi chỉ là nhân viên quèn chẳng có tiếng nói gì nhưng toàn bộ tập thể đã làm ra kết quả tốt thì cũng cần được thưởng công, đó cũng là chuyện thường tình trong kinh doanh thôi. Nếu như nhân viên không vui vẻ và cống hiến hết sức mình thì liệu công ty có tốt được không?”, chị Hằng tâm sự.
Một lãnh đạo của Vinamilk từ chối bình luận về việc bị cổ đông lớn nhất phủ quyết kế hoạch phát hành ưu đãi (ESOP) nhưng chia sẻ: “Tôi rất buồn. Trong đại hội cổ đông vừa diễn ra, chúng tôi đã cố gắng thuyết phục nhưng kết quả cuối cùng cần sự đồng thuận của cổ đông lớn nhất”.
Vị này cũng tâm sự, ông khá lo lắng khi nhìn sang công ty cùng ngành hàng tiêu dùng như Masan, các ông chủ lớn hào phóng với nhân viên trong chương trình phát hành cổ phiếu thưởng giữ chân người tài. “Nếu nhân sự giỏi bị ‘chảy máu’, ông chủ lớn của Vinamilk sẽ bị thiệt hại đầu tiên. Nhân viên của chúng tôi hơi buồn khi đọc tin từ Masan cũng dễ hiểu”, vị này nhận xét.
Trước đó, trong đại hội cổ đông mới tổ chức của Vinamilk, đại diện một quỹ đầu tư Mỹ phát biểu rằng, một doanh nghiệp có quy mô thị trường 5 tỷ USD mà thu nhập bình quân của nhân viên chỉ khoảng 11 triệu/tháng là quá thấp, ESOP (phát hành ưu đãi cho nhân viên) có thể coi như 1 khoản thưởng bù đắp thêm cho thu nhập, qua đó giữ chân người giỏi. Vị này nói thêm, nhờ kinh doanh tốt giá trị cổ phiếu Vinamilk tăng liên tục, tỷ lệ bị pha loãng 1,2% kia (lo ngại của SCIC) có đáng kể hay không thì cần phải cân nhắc lợi ích.
Tại đại hội này, bà Mai Kiều Liên, chủ tịch HĐQT Vinamilk, cũng nói từ khi cổ phần hoá tới nay Vinamilk tăng trưởng tới 60 lần, thì tỷ lệ pha loãng 1,2% mà SCIC lo lắng kia là quá nhỏ, liệu có đáng kể so với giá trị mà lực lượng nhân sự của Vinamilk mang lại.
|
Bài tiếp: Phía sau việc phủ quyết ESOP của SCIC
HOÀNG LY