Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, việc 2 nhà mạng này roaming với nhau (cho phép Gmobile được "thuê" sóng di động của nhà mạng khác) không phải là việc chưa có tiền lệ. "Cặp đôi VinaPhone và MobiFone đã roaming với nhau từ lâu, và mạng di động 'ảo' Đông Dương cũng từng dùng chính cách thương tự với đối tác là Viettel để 'lên sóng'. Nhiều nhà mạng tại Việt Nam cũng đã triển khai roaming với các đối tác nước ngoài từ vài năm nay. Đây hoàn toàn là việc các nhà mạng có thể ngồi lại đàm phán với nhau, và ký kết như một hợp đồng kinh tế bình thường", vị này đánh giá.
Chuyên gia này cho rằng, hiện ở Việt Nam và thế giới không thiếu những doanh nghiệp đi xây dựng hạ tầng để cho các bên khác thuê, và điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với ngành viễn thông. "Có thể hạ tầng củaVNPT vẫn đủ cho một nhà mạng khác dùng chung, nên nếu Gmobile vào cuộc với VNPT qua kênh này thì cũng là việc mà ngành viễn thông đang hướng đến, là việc các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng nhằm tiết kiệm tài nguyên", vị này chia sẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc một mạng di động được sử dụng hạ tầng của mạng khác mà không có mối liên quan trực tiếp là việc chưa từng có. Đông Dương Telecom đạt được thỏa thuận nguyên tắc về dùng hạ tầng của Viettel nhưng chưa được sử dụng ngày nào đã bị rút giấy phép. Còn MobiFone và VinaPhone roaming do 2 mạng này có cùng "mẹ" là VNPT. Còn việc roaming quốc tế là sử dụng chung hạ tầng của các mạng không cạnh tranh ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
HẠ MINH
Theo Infonet