Các đầu nậu cho biết giá sỉ loại bột ngọt bao xá của Trung Quốc là 800.000 đồng/bao 25kg, còn “áo” tức vỏ, bao bì nhãn hiệu Vedan, Ajinomoto... loại 400gr hay 454gr (khối lượng tịnh ghi trên bao bì), bán số lượng từ 1.000 cái trở lên, giá 1.000 đồng/cái.
|
Bột ngọt giả xuất xứ Trung Quốc xuất hiện tràn lan trên thị trường. |
Điểm mặt đầu nậu
Tại cửa hàng Dung Tèo (phường 12, quận 6, TP.HCM), một thanh niên dẫn khách vào bên trong xem hàng. Kho rộng chừng 20m2 chất hàng chục bao bột ngọtTrung Quốc. “Hàng này chuyên dùng về đóng lại bao bột ngọt loại 400-454 gr của các hãng thương hiệu”. Lát sau, một người đàn ông mang tới cửa hàng Dung Tèo 1.000 vỏ bao bì, trong đó có 500 cái nhãn hiệu Ajinomoto, 500 cái nhãn hiệu Vedan được gói trong giấy báo cẩn thận.
Bà Dung, chủ cửa hàng, cho biết bao bì trên là hàng từ Trung Quốc chuyển về, có màu đẹp giống như hàng công ty. Bà tiết lộ: “Chỗ khác bán loại bao bì in ở Việt Nam, nhìn kỹ là biết ngay”. Theo bà Dung, lấy hai loại hàng xá con tôm và quả đào trộn với nhau theo tỉ lệ 1:1 sẽ ra loại giống như hàng thương hiệu.
Theo tìm hiểu, tại khu vực Chợ Lớn (quận 5 và quận 6) có khá nhiều đầu nậu chuyên cung cấp hàng xá và mua bán bao bì. Bà Ngoan, chủ đại lý gia vị thực phẩm tại Chợ Lớn, khẳng định có thể lấy giùm vỏ bao bì nhãn hiệu Ajinomoto 400gr giá 900 đồng/vỏ với số lượng lớn. Còn bà Quý, một đầu mối cung cấp hàng xá, nói: “Muốn mua 'áo' thì cứ lấy hàng xá ở đây coi như làm quen. Lần sau, tôi sẽ chỉ cho chỗ đầu mối mua bao bì”.
Theo tìm hiểu, bao xá bột ngọt loại 25kg bán trên thị trường được giới làm hàng giả mua khá phổ biến. Loại bao xá này không có nhãn mác phụ bằng tiếng Việt Nam, phần hạn sử dụng ghi bằng tiếng Hoa là ba năm. Tuy vậy, trên các vỏ bao bì nhãn hiệu Ajinomoto trộn hàng xá được bán ra có thời hạn sử dụng đến 5 năm.
|
Bao bì "nhái" là hàng từ Trung Quốc chuyển về, có màu đẹp giống như hàng công ty. |
Y chang hàng thật
Một đầu nậu chẻ hàng xá, bao bì cỡ lớn theo tuyến Bắc - Nam là bà Ánh (ngụ thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bà Ánh cho biết: hàng xá chỗ bà là hàng chất lượng cao, có giá 34.000 đồng/kg, chưa tính phí vận chuyển. Còn bao bì nhãn hiệu Ajinomoto có giá từ 40.000 đồng/kg. Bà khẳng định: “Hàng chỗ tôi giống y chang hàng thật. Người rành rọt chưa chắc nhận ra được”.
Đầu mối này thường xuyên vận chuyển hàng bằng xe khách. Mỗi chuyến từ 20 bao xá, tương đương 1 tấn bột ngọt Trung Quốc. Hàng sẽ được cung cấp ở hai địa điểm chính là Đắk Lắk và quận Thủ Đức (TP.HCM). Theo điều tra, bà Ánh có thâm niên gần chục năm trong nghề “đóng” hàng giả và phân phối bao bì, hàng xá cho nhiều nơi.
Bà Ánh giải thích thêm, dịp đầu năm, loại hàng xá khan hiếm nên giá tăng hơn trước Tết Nguyên đán. Bà Ánh đem ra hai gói Ajinomoto loại 1kg giới thiệu đây là hàng nhà bà tự đóng lấy, giá bỏ sỉ 38.000-40.000 đồng/gói. Các “đại lý” lấy nguồn hàng trên đem về bán với giá hơn 50.000 đồng/gói.
Bà Nụ, quê Nam Định, cũng là dân chuyên mua hàng xá, bao bì từ nhiều nơi về đóng giả bột ngọt, hiện thuê phòng trọ ở xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn). Bà này tiết lộ ở TP.HCM có nhiều nơi phân phối hàng xá của Trung Quốc nhưng bao bì hàng hiệu thì phải là khách hàng thân mới được cung cấp. Trung bình mỗi tuần bà Nụ sang chiết gần chục bao xá 25kg ra các bao bì 400gr mang đi tiêu thụ. Mỗi gói bỏ lẻ bà kiếm lời 7.000-10.000 đồng.
'Một lời một'
Một đầu mối đóng hàng bột ngọt giả khá quy mô khác, có thâm niên hơn năm năm là bà Oanh (ngụ ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn). Bà Oanh thừa nhận lợi nhuận của nguồn hàng bột ngọt giả khá lớn. Nếu tự đóng hàng và bán tận ngọn, mức lợi nhuận là “một lời một”. Bà phân tích: “Một bao xá 25kg giá 800.000 đồng, đóng được 64-65 gói 400gr. Giá bán lẻ, bỏ mối 20.000-24.000 đồng/gói”. Bà thường xuyên cùng chồng đi chào hàng và bỏ mối sỉ, lẻ ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), huyện Củ Chi, Hóc Môn. Thông thường sau khi đóng gói, bà Oanh bỏ bột ngọt giả vào thùng cactông bột giặt hiệu Omo hay Net để đi bỏ hàng. Trung bình mỗi ngày bà sang chiết hai bao xá.
Bà Oanh tiết lộ: “Quan trọng là mua máy dập ở đâu và dập như thế nào cho giống y chang hàng thật”. Chồng bà tư vấn: “Đến quận 11 mua máy, nhớ nói người ta làm cho lưỡi răng dọc, chứ xài lưỡi carô là lộ ngay”. Ông này còn hướng dẫn thêm dùng giấy tập bọc lưỡi máy dập để khi dập mép vỏ bao bì không bị co lại hay có lớp khí. Theo bà, hàng xá Trung Quốc giá khá mềm nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp phải bao có mùi hôi nồng nặc như thuốc trừ sâu.
Phát hiện nhiều vụ sản xuất bột ngọt giả
Rạng sáng 25/1, đội cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ công an quận đã kiểm tra căn nhà không số (khu phố 4, phường An Phú Đông, quận 12) phát hiện vụ sản xuất giả bột ngọt, nước rửa chén, bột giặt. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 223 gói bột giặt giả nhãn hiệu Omo, 132 bịch bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và 55 chai nước rửa chén giả nhãn hiệu Sunlight. Lực lượng chức năng còn tạm giữ hơn 18.000 vỏ bao bì và 492 vỏ chai của các nhãn hiệu như Omo, Sunlight, Ajinomoto... Bước đầu, ông Nguyễn Xuân Truyền - chủ lò sản xuất bột ngọt giả - khai nhận đã mua bột ngọt xá, bao bì ở Chợ Lớn (quận 5) về sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto rồi đem bán ở quận Thủ Đức, quận 9...
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong năm 2012 đơn vị đã phát hiện hơn 20 vụ buôn bán bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc cũng như các sản phẩm thành phẩm giả mạo nhãn hiệu bột ngọt thương hiệu tại các quận huyện như Bình Thạnh, Nhà Bè, quận 12... Theo một cán bộ quản lý thị trường, các đối tượng làm giả kiếm lời khá cao từ việc giá nguyên liệu đầu vào rẻ (do nhập lậu, kém chất lượng), sau đó “lên đời” sản phẩm có thương hiệu để bán giá cao.
|
Theo Tuổi trẻ