Trao đổi với VnExpress ngày 22/11, ông Nguyễn Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô (TP Cần Thơ) cho biết đã gửi đơn kêu cứu đến UBND TP Cần Thơ nhờ can thiệp, chỉ đạo cơ quan chức năng sớm cấp lại giấy đăng ký kinh doanh để Bệnh viện đa khoa Tây Đô được mở cửa hoạt động trở lại.
Theo ông Hoàng, hơn một tháng qua kể từ ngày Bệnh viện Tây Đô ngừng hoạt động do vẫn chưa được cấp lại giấy phép kinh doanh, hiện rất nhiều thiết bị y tế giá trị trị giá hàng chục tỷ đồng hư hỏng do không được vận hành thường xuyên như máy cộng hưởng từ MRI, máy CT-Scanner, xét nghiệm sinh hóa... Không chỉ vậy, đội ngũ y bác sĩ trên 150 người gắn bó nhiều năm với bệnh viện bị thất nghiệp, Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô bị thiệt hại rất lớn vì khối tài sản trị giá trên 300 tỷ đồng trong bệnh viện 200 giường phải "đắp chiếu".
|
Hơn một tháng nay cổng Bệnh viện đa khoa Tây Đô khóa kín, bên ngoài treo thông báo tạm nhưng hoạt động chờ cấp phép mới. Ảnh: Thiên Phước |
"Chúng tôi xin cấp phép đăng ký kinh doanh từ nhiều tháng nay nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ chưa duyệt. Khi nào có giấy phép mới của Sở, bệnh viện mới lập hồ sơ để Bộ Y tế thẩm định cấp chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài thời gian thì thuốc sẽ hết hạn dùng, trang thiết bị, máy móc và hóa chất sinh hóa bị hỏng, gây tổn thất rất lớn", ông Hoàng cho biết thêm.
Bệnh viện Đa khoa Tây Đô chính thức hoạt động vào tháng 8/2008. Chưa đầy một năm sau các thành viên góp vốn xảy ra bất hòa về tài chính nên xảy ra khiếu kiện. Tháng 6/2010, thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ kết luận 619 nêu rõ hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Tây Đô như nâng khống giá mua trang thiệt bị, vật tư; nâng khống giá đất; chồng làm chủ tịch Hội đồng thành viên, vợ làm kế toán; một chứng từ thanh toán hai lần...
Từ đó, đoàn thanh tra yêu cầu bệnh viện khắc phục bằng cách tổ chức đại hội thành viên để bầu lại chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên; các thành viên phải góp đủ vốn thành lập công ty theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kết nạp thành viên mới; khắc phục hậu quả các khoản chi không có chứng từ gốc...
Tranh chấp giữa các thành viên góp vốn tiếp tục xảy ra, Chủ tịch Hội đồng thành viên Diệp Thanh Bình tiếp tục chiếm giữ con dấu. Lúc này, một số thành viên góp vốn kiện Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trái pháp luật.
Ngày 6/3, TAND Tối cao tại TP HCM có bản án số 29 tuyên hủy hai giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ đã cấp cho Tây Đô. Một tháng sau, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.
Sau khi bản án số 29 có hiệu lực, Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh mới với nội dung chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH thành Công ty cổ phần theo đúng yêu cầu của kết luận thanh tra số 619. Ngày 20/5 Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ có thông báo yêu cầu bệnh viện sửa đổi, bổ sung hồ sơ vì “Việc triệu tập cuộc họp Hội đồng thành viên của công ty chưa đúng luật định do người triệu tập không phải là Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty”.
Vào thời điểm này Bệnh viện đa khoa Tây Đô không còn người đại diện theo pháp luật (theo bản án của tòa án) nên yêu cầu của Phòng đăng ký kinh doanh không thể thực hiện được.
|
Bệnh viện đóng cửa, khối tài sản khoảng 300 tỷ đồng đang nằm "đắp chiếu", 155 y bác sĩ và nhân viên mất việc. Ảnh: Thiên Phước |
Theo thành viên góp vốn Cao Trường Thọ, đến nay công ty đã hoàn tất đại hội cổ đông, bầu ra người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Văn Tám (thành viên sáng lập). Tuy nhiên, bệnh viện đã nhiều lần liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ để xin cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng chưa được.
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Hùng, Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ ký văn bản gửi Phòng đăng ký kinh doanh nêu quan điểm xử lý hồ sơ của Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô, trong đó yêu cầu căn cứ vào quyết định của TAND Tối cao TP HCM để thực hiện. Về thủ tục đăng ký chuyển đổi của Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô thì căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 để giải quyết.
Theo một cán bộ pháp chế Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, hồ sơ của Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô đã đủ yếu tố để cấp giấy phép. Còn quan điểm của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ thì tạo điều kiện cho Bệnh viện Tây Đô hoạt động sớm trở lại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân miền Tây tránh để lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại đã được đầu tư.
Thế nhưng đến nay Phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ vẫn phải chờ xin ý kiến của Công an TP Cần Thơ, Sở Tư pháp, VKSND và TAND TP Cần Thơ vì sợ "cấp cho người này thì người kia kiện".
Trao đổi với VnExpress, luật sư Nguyễn Văn Đức, Phó Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) cho biết Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô có trên 50 thành viên nên phải thay đổi hình thức sở hữu từ công ty TNHH thành công ty cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp. Hiện các bản án của TAND Tối cao đã có hiệu lực pháp luật thì không có cơ sở nào mà Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ tiếp tục trì hoãn việc cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Bệnh viện Tây Đô.
"Sự chậm trễ của ngành chức năng trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho Bệnh viện Tây Đô đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục thành viên góp vốn. Hiện nay nhiều bệnh viện công bị quá tải mà Bệnh viện Tây Đô có cơ sở vật chất hiện đại lại đóng cửa làm cho tài sản hư hỏng là lãng phí quá lớn", luật sư Đức nêu quan điểm.
Thiên Phước