Báo cáo về hoạt động ngân hàng Việt Nam của nhóm nghiên cứu Học viện Ngân hàng cho biết, năm 2012, lợi nhuận ngành sụt giảm khá mạnh so với 2011 và nhiều đơn vị thậm chí không đạt chỉ tiêu đặt ra.
So với cùng kỳ năm 2011, 9 tháng năm 2012, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB, Eximbank, Sacombank, ACB, Nam Việt và SHB đều giảm, chỉ riêng Vietinbank tăng. Trong quý III năm nay, có hai ngân hàng bị giảm lợi nhuận thuần so với năm 2011 là ACB và SHB. Số liệu báo cáo tài chính của SHB cho thấy nhà băng này bị giảm lợi nhuận xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, còn ACB giảm trên dưới 500 tỷ. Điều này cũng khiến cho tỷ suất sinh lời ROA và ROE bị giảm mạnh, nhiều ngân hàng đối mặt nguy cơ không đạt mục tiêulợi nhuận đề ra. Cụ thể, so với kế hoạch đặt ra, Quân đội là ngân hàng có tỷ lệ lợi nhuận trước thuế cao nhất ở 74%, sau đó lần lượt đến Vietcombank 70%,Vietinbank 64%... riêng SHB âm tới 60%.
|
9 tháng đầu năm 2012, ACB công bố khoản lỗ lũy kế lên tới hơn 1.100 tỷ đồng vì kinh doanh vàng, ngoại hối.
|
Về cơ cấu thu nhập của một số ngân hàng, báo cáo chỉ ra, phần tạo lợi nhuận chính vẫn là từ hoạt động cho vay. Việc tín dụng tăng thấp là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho lợi nhuận ngành ngân hàng sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2012. Tăng trưởng cho vay trong những tháng đầu năm 2012 liên tục âm, sau đó tăng thấp.
Tiếp đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cũng là nhân tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng có xu hướng mở rộng hệ thống, tăng chi phí hoạt động trong đó có chi phí cho nhân viên. So với các ngành khác của toàn nền kinh tế, chi phí cho nhân viên ngành ngân hàng ở mức cao và được tính vào lãi suất đầu ra của doanh nghiệp khiến cho mức lãi suất đến tay người đi vay vẫn còn cao. Như trường hợp của Vietinbank, việc giảm chi phí từ hơn 5.100 tỷ đồng xuống còn hơn 2.700 tỷ khiến cho lợi nhuận quý III tăng mạnh 71,5% so với cùng kỳ, báo cáo này cho biết các ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý chi phí hoạt động tốt hơn.
Lợi nhuận giảm mạnh cũng được lý giải là do chi phí dự phòng rủi ro tăng so với các năm trước. Chẳng hạn, tại “ông lớn” Vietinbank, năm 2011, cả năm mức dự phòng rủi ro chỉ hơn 1% thì chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2012 đã tăng gấp đôi, hay SHB tăng từ chưa đến 2% trong năm 2011 tăng lên 4% cho 9 tháng đầu năm 2012. Các ngân hàng niêm yết khác cũng tăng mạnh dự phòng, khiến cho lợi nhuậncũng bị tác động giảm.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Trung - Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Ngân hàng) - một trong những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuậnngành ngân hàng 2012 sụt giảm mạnh là việc kinh doanh vàng. Đáng chú ý hơn cả là khoản lỗ hơn 1.100 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng của ngân hàng Á Châu trong quý III, gấp 12,7 lần so với mức lỗ chỉ hơn 84 tỷ đồng của năm 2011. Ông Trung cho rằng, đây là một trong những yếu tố đáng quan ngại trong bối cảnh hiện nay.
Triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng 2013, theo dự đoán cũng sẽ không mấy sáng sủa do các ngân hàng phải tích cực phân loại nợ và dự phòng nợ xấu đầy đủ. Thậm chí, có một kịch bản sẽ diễn ra là nếu trích lập đầy đủ, sẽ có nhà băng phải dùng đến chủ sở hữu, vì bên cạnh mức nợ xấu 2-3%, vẫn có đơn vị nợ xấu lên 40% mà không ai biết cũng như không ai cảnh báo, như phát biểu của chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa.
Đến thời điểm này, các ngân hàng chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 2013, song tính chung 9 tháng đầu năm và riêng quý III, lợi nhuận của nhiều nhà băng ít khả quan so với kế hoạch đề ra, thậm chí đã có đơn vị xin giảm chỉ tiêu và úp mở việc giảm hoặc cắt luôn khoản thưởng Tết của cán bộ, nhân viên vì kinh doanh không hiệu quả.
LAN ANH
Theo Infonet