Chuột đồng ở miền Tây có quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa lúa chín. Có nhiều cách để săn chuột đồng như đào hang, bẫy, xiên... Ngoài ra, người dân miền Tây còn có cách khác là đuổi cù trong ruộng, tức dụ chuột gom về chòm lúa giữa đồng rồi dùng lưới bắt một lần. Mỗi lần đuổi cù, số lượng chuột bắt được lên tới vài trăm con. Trong ảnh: Người dân ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ mang theo chó săn đi đào hang bắt chuột.
Anh Nguyễn Văn Bảy, ở xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn (An Giang) và 4 người bạn đang đi bắt chuột ngoài đồng, cho biết, mỗi ngày các anh bắt được khoảng 10-15 kg. Do đang vào vụ lúa, chuột nhiều, có ngày anh bắt được 20 kg, bán kiếm gần 2 triệu đồng.
Năm nay, giá thịt chuột các loại đã tăng bình quân từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với năm trước. Thịt chuột cơm, chuột cống nhum làm sẵn đang ở mức 80.000-120.000 đồng/kg, còn chuột sống 55.000-70.000 đồng/kg, tùy loại. Trong ảnh: Thương lái đi thu gom chuột của người dân để đem bán lại cho các vựa.
Chợ Phù Dật ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang) được xem là chợ chuột lớn nhất miền Tây. Hoạt động mua bán tại đây sôi động nhất từ 5h đến 9h sáng. Trung bình mỗi ngày có 3 đến 5 tấn chuột được làm thịt. Nơi tiêu thụ là các nhà hàng và quán nhậu ở miền Tây, TP.HCM và cả miền Bắc.
Chuột cơm và cống nhum là 2 loại cho thịt thơm ngon được ưa chuộng. Tại miền Tây, thịt chuột còn là thực phẩm sạch, do thức ăn chủ yếu của loài này là nông sản, cỏ non, còn khu vực sống của chúng lại xa dân cư nên ít mầm bệnh.
Sau khi bắt từ ngoài đồng về, chuột được nhốt trong lồng sắt cao hai tấc, dài một mét. Bên ngoài chiếc lồng còn được bọc lớp lưới sắt dày, để khi vận chuyển xa hàng trăm cây số đến bán cho những cơ sở thu mua, chuột vẫn sống. Anh Lê Văn Thiên, chủ cơ sở thu mua chuột đồng ở xã Bình Long, huyện Châu Phú, cho biết mùa này, thương lái thu gom chuột đồng các nơi sẽ chở về chợ Phù Dật bán. Bình quân mỗi ngày gia đình anh Thiên mua gần 1 tấn chuột, tương đương với 750 đến 800 kg thịt sau khi đã bỏ đầu, đuôi, lột da.
Ở chợ Phù Dật, số lượng đơn đặt hàng lớn nên chuột được các tiểu tương thu mua bao nhiêu cũng không đủ đáp ứng nguồn cung.
Ngoài bỏ mối buôn, các cơ sở kinh doanh loài gặm nhấm này đều có sạp bán tại chỗ. Khách đến hỏi mua chuột, chỉ con nào là người bán thò tay vào lồng tóm đuôi con đó đem ra, quay 2-3 vòng rồi đập đầu xuống đất. Chuột làm thịt tại chỗ như vậy giá sẽ cao hơn so với bán nguyên con.
Chợ chuột Phù Dật nằm gọn trên ấp Bình Chiến. Trong ấp có khoảng 600 hộ thì có tới trên 200 hộ sống bằng nghề săn bắt, làm thuê và kinh doanh chuột.
Nhờ chợ chuột lớn nhất miền Tây này, hàng trăm lao động có công ăn việc làm, thu nhập ổn định quanh năm.
Ở chợ này, khâu làm thịt chuột thường do người già, phụ nữ đảm đương... Bình quân mỗi ngày, một nữ "công nhân" thịt chuột làm được 50 đến 70 kg thành phẩm, được trả công gần 100.000 đồng.
Đàn ông sẽ phụ trách khâu bắt và giết chuột. Anh Lưu Văn Tùng cho hay, mỗi ngày phải bắt 1 đến 2 tấn chuột trong lồng sắt ra đập chết. "Chuyện bị chuột cắn xem như cơm bữa, riết cũng quen không còn đau nhức gì nữa", anh Tùng nói.
Sau khi làm sạch lông, lột da, chuột được đưa vào thùng ướp nước đá, sau đó mới cho "xuất xưởng".
Chợ chuột Phù Dật vừa nhận danh hiệu 1 trong 100 phiên chợ độc đáo của Việt Nam do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Đây là nơi bán chuột đồng quanh năm và có hàng trăm người sống bằng nghề bắt, mua bán loài gặm nhấm này.
Với người dân miền Tây, chuột đã trở thành món ăn quá quen thuộc. Thịt chuột hiện là món nhậu không thể thiếu trong thực đơn tại các nhà hàng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM.