Cảnh sát cho hay, Samira Yerou, 32 tuổi, một công dân Tây Ban Nha đã liên hệ với một chiến binh IS tên là Omar Seif khi đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Yerou đã nhấn mạnh với Seif rằng, cậu con trai mới 3 tuổi của cô ta muốn chứng kiến những vụ chặt đầu con tin man rợ.
Để thuyết phục Seif, Yerou đưa điện thoại cho cậu con trai nhỏ và mớm lời, ép bé tuyên bố rằng: "Cháu muốn chặt đầu cảnh sát" và "cháu muốn được gia nhập IS".
Bản thân cô ta cũng dùng mọi lời lẽ để thuyết phục chiến binh IS rằng, con trai cô ta rất muốn được gia nhập tổ chức khủng bố này.
"Thằng bé chỉ muốn đi theo các anh. Thằng bé muốn biết về những vụ chặt đầu", Samira tuyên bố.
Thẩm phán Fernando Andreu cho hay, hiện cảnh sát đang điều tra Yerou vì nghi ngờ cô ta là thành viên của một tổ chức khủng bố.
Chính chồng của Yerou đã báo với giới chức Tây Ban Nha về việc vợ bất ngờ bỏ nhà đi và biến mất cùng cậu con trai 3 tuổi vào tháng 12 năm ngoái. Cặp đôi trước đó đã sống hạnh phúc tại Barcelona.
Yerou đã bị bắt khi cố gắng vượt biên trái phép vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ cùng con trai và đã bị dẫn độ về Tây Ban Nha. Cậu con trai Mohamed đã được trả lại cho bố đẻ.
Phát ngôn viên cảnh sát ngày 10.3 cho biết, hiện cậu bé rất mạnh khỏe và đã được an toàn.
Yerou là công dân Tây Ban Nha gốc Ma-rốc. Cô ta đã rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng và rời Tây Ban Nha tới Syria sau khi liên hệ với một chiến binh IS chuyên tuyển tân binh cho tổ chức khủng bố này qua Internet. Yerou được cho là bắt đầu có tư tưởng cực đoan vào mùa hè năm 2013.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh IS vừa tung một đoạn video ghi lại cảnh một "đao phủ nhí" mới chỉ 10 tuổi hành quyết một thiếu niên 19 tuổi bị cáo buộc là gián điệp của Israel.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ lâu đã mở nhiều lò đào tạo chiến binh nhí ở Syria, trong đó nhiều em thậm chí dưới 10 tuổi.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua cho biết, lực lượng biên phòng nước này vừa bắt giữ 16 công dân Indonesia, bao gồm 3 gia đình đang nỗ lực vượt biên trái phép để vào Syria.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tanju Bilgiç thừa nhận, nhóm người Indonesia bị bắt đều đi theo con đường "thường được các phần tử thánh chiến sử dụng" để vượt biên vào Syria, gia nhập IS.
Danh tính của các công dân Indonesian không được tiết lộ. Các chiến binh nước ngoài muốn tới Syria để gia nhập IS thường chọn đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Cả Pháp và Anh từng lên tiếng cáo buộc, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã không hành động tích cực để ngăn chặn hơn 700 công dân Pháp và 500 công dân Anh vượt biên sang Syria gia nhập IS thông qua nước này.