Ngày càng nhiều người dân Peru tự mình thực thi luật pháp rồi ghi lại những hình ảnh trừng phạt mang tính bôi nhọ bằng máy quay và điện thoại của mình. Sau đó, họ sẽ nhanh chóng đăng tải các đoạn phim lên mạng xã hội Facebook với tiêu đề “Sự trừng phạt thích đáng cho kẻ ăn trộm”. Những đoạn video ghi lại hình ảnh một người phụ nữ bị lột sạch đồ và bắt đi bộ khắp phố cùng tấm biển “Tôi là một tên trộm” được treo trên cổ hay cảnh hai kẻ móc túi bị bắt đứng trên một tổ kiến cho tới khi hai người này cầu xin tha thứ vì bị kiến cắn vào chân và bộ phận nhạy cảm được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Những hình phạt dưới dạng “tự xử” như trên cũng rất đa dạng: Từ lột trần truồng và đánh đập ở nơi công cộng, bị bắt phải thực hiện những bài tập quân ngũ khó khăn cho tới phải ăn ớt tươi...
Trào lưu tự xử lý tội phạm đang lan truyền trong xã hội Peru.
Trào lưu này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người với hàng trăm bức ảnh và video được đăng tải trên mạng.
Trào lưu này xuất phát từ sự thất vọng của người dân đôi với lực lượng cảnh sát.
Chỉ trong vài tháng, hơn 100 nhóm đã được lập ra trên Facebook với nhiều tên gọi hết sức tiêu cực và bạo lực như “Bắt trộm và đánh cho tàn phế". Trong những đoạn video mới đây, một thanh niên đã bị đánh tới mức khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, còn người đàn ông khác bị giữ tay chân rồi bị đánh liên tục bằng gậy vào lưng và chân... Đa số những đoạn video này đều nhận được sự tán dương của cộng đồng mạng tại Peru.
Nhiều người dân cho rằng, những hành động trừng phạt này là cách tốt nhất để xử lý những kẻ trộm cắp và móc túi, vì họ đã mất lòng tin vào lực lượng cảnh sát trong việc kiểm soát tội phạm. Trong khi đó, một số người lại lo ngại trào lưu trên sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát và dẫn tới làn sóng bạo lực dâng trào để nhắm vào những người bị cho là phạm tội, khiến những người này không có cơ hội được xét xử công bằng.
Đồng thời, rất nhiều trang Facebook cập nhật hàng ngày những video mới mang tính chất bạo lực, bất chấp luật pháp Peru có án phạt lên tới 4 năm tù giam vì hành vi gây tổn hại thân thể người khác và tới 25 năm tù giam cho tội giết người. Tuy nhiên, hiện chưa có trường hợp tự trừng phạt tội phạm nào bị đưa ra xét xử, do đó người dân vẫn tự do tiến hành những hành động này tại nơi công cộng, còn những phương pháp trừng phạt thì ngày càng dã man hơn.
Mặc dù vậy, trào lưu trên vẫn đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ trên khắp đất nước Peru. Trong một cuộc khảo sát mới đây, có tới 1/3 người dân Peru đã từng là nạn nhân của những hành vi tội phạm, và chỉ có 34% người dân tin tưởng vào cảnh sát nước này trong việc bắt giữ và xử phạt tội phạm. Bởi vậy, 53% người dân Peru đều đồng tình với cách “tự xử” khi bắt được trộm, cướp.
Đa phần hoạt động tự trừng phạt vẫn được thực hiện tự phát bởi người dân.
Một người đàn ông bị hành hung vì bị nhận nhầm là đang cố ăn trộm một chiếc xe tải.
Tại một số khu dân cư, các tổ tự vệ dân phố (hay "rondas urbanas") đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đường phố và trừng phạt các đối tượng gây rối, bao gồm cả những kẻ ngoại tình. Lực lượng này cũng thường xuyên truy quét ổ chứa mại dâm cũng như trừng phạt gái mại dâm bằng cách quật roi và đốt phá đệm cùng đồ nội thất trên đường phố.
Thậm chí, một người đàn ông tại quận Cajamarca, miền bắc Peru đã bị hành hung vào đầu tháng 9 bởi đám đông quần chúng sau khi họ tưởng nhầm người đàn ông này đang cố trộm một chiếc xe tải.