Ca tử vong mới nhất là một bệnh nhân 65 tuổi, đang bị ung thư giai đoạn cuối. Người này có kết quả dương tính với virus MERS hôm 7/6 và tử vong hôm 11/6 tại bệnh viện.
Bộ Y tế nước này cũng thông báo có thêm 14 ca nhiễm hội chứng viêm đường hô hấp cấp Trung Đông MERS - CoV tại nước này. Như vậy, kể từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, đến hôm nay Hàn Quốc đã ghi nhận 122 người lây nhiễm virus chết người này.
Trong các trường hợp mới này có một phụ nữ mang thai nhiễm virus MERS tại phòng cấp cứu của một bệnh viện tại Seoul. Hiện sức khỏe của người phụ nữ này đang ổn định.
Hành khách đeo khẩu trang, đứng thành từng nhóm tại sân bay Incheon, Hàn Quốc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã hoãn chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến bắt đầu vào ngày 14/6 để tập trung cho chiến dịch chống MERS.
Các ngân hàng Hàn Quốc đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% xuống mức thấp kỷ lục 1,5%.
"Chúng tôi quyết định cắt giảm lãi suất để hạn chế tác động tiêu cực của dịch MERS đối với nền kinh tế", thống đốc Bok Lê Ju-Yeol nói.
Tổ chức chăm sóc sức khỏe Hàn Quốc đã yêu cầu mở cửa trở lại các trường học hôm 10/6 vì không có dấu hiệu dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Tất cả các ca lây nhiễm cho đến nay đều ghi nhận tại bệnh viện. Trong khi đó, ủy ban trường học lại muốn đóng cửa các trường lâu hơn.
Bộ Y tế Hàn Quốc khẳng định sẽ chi trả toàn bộ chi phí chẩn đoán và điều trị cho những bệnh nhân nhiễm MERS cũng như những người bị cách ly vì nghi nhiễm.
Virus MERS đang khiến người dân Hàn Quốc lo ngại
MERS hay còn gọi là Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus thuộc nhóm coronavirus gây nên.
Kể từ ca bệnh đầu tiên vào tháng 9 năm 2012 tại Ả Rập Xê út, tính đến thời điểm này đã có 1.306 trường hợp nhiễm, trong đó ít nhất 447 ca đã tử vong tại 25 quốc gia trên thế giới trong đó châu Á có 3 quốc gia là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia.
Hầu hết những người bị nhiễm MERS mắc bệnh hô hấp cấp tính nặng với các triệu chứng sốt, ho, khó thở.
Cho đến nay, chưa có thuốc điều trị dịch bệnh này và cũng chưa có vắc-xin để phòng ngừa dịch bệnh. Các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới cũng chưa nghiên cứu ra liệu pháp chữa trị dịch bệnh nguy hiểm này. Nguy cơ tử vong từ dịch bệnh này rất cao, lên tới 40%.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hành vệ sinh thực phẩm cần được quan sát. Người dân nên tránh uống sữa lạc đà tươi, nước tiểu lạc đà hoặc ăn thịt lạc đà chưa được nấu chín.
theo Khám phá