Đặt chân đến khu Thảo Điền, TP.HCM người ta có thể bắt gặp một ngôi biệt thự lớn, rộng đến 215m2, sở hữu bởi một gia đình Pháp, gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ.
Họ đến sống tại TP.HCM hơn mười năm nay, làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường và truyền thông. Họ rất thích đi du lịch và mang về nhà nhiều món đồ trang trí từ những chuyến đi. Nữ chủ nhân ngôi biệt thự nói: “Ở Sài Gòn, chúng tôi không có việc gì làm vào cuối tuần ngoài việc ở nhà hoặc tiếp đón bạn bè. Vì thế, có một ngôi nhà thoải mái để ở là điều rất quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là trang trí cho ngôi nhà thật đầm ấm và dễ chịu”. Không có cảm hứng gì đặc biệt cho nơi trú ngụ của mình, nhưng nói như nữ chủ nhân, “ngôi nhà phản ánh tâm trạng và sở thích du lịch của chúng tôi, đầu tiên là những món đồ, sau đó là sự sắp đặt chúng”.
Bộ sưu tập những chiếc gối có hình phụ nữ Việt Nam xưa. Bộ sưu tập
những áp phích Pháp đầu thế kỷ 20.
Phía dưới nhà là một bộ salon lớn chạy dài theo phòng khách nằm cạnh một căn bếp nhỏ; một sân thượng nhỏ nhìn ra con đường ngoài sân và một sân thượng lớn có mái che nằm sau hồ bơi. Ở tầng trên là hai phòng ngủ, hai phòng tắm và hai ban công ngoài.
Nếu đi tìm nét riêng của ngôi biệt thự này, người ta không khó để nhận ra: đó là sự đơn giản và chỉn chu của nội thất, trong khi mặt tiền ngoài lại độc đáo, mang dáng dấp ARập, với những nét uốn lượn, tròn trịa gợi nhớ một chút phong cách Gaudi (kiến trúc sư Antoni Gaudi người Tây Ban Nha – ND), phong cách Morocco và cả phong cách Las Vegas.
Không gian phòng khách mở ra trên hai sân thượng mang lại cảm giác
lạ lẫm và thư giãn.
Phòng ăn, pha trộn nhiều đồ vật, chiếm ưu thế là những món đồ gỗ
và bộ ghế sát đất Thái Lan.
Những áp phích chủ nghĩa kiến tạo mang lại chút sắc màu tươi tắn
hoà hợp với tông màu trung tính.
Phong cách chung của tổng thể nội thất biệt thự là sự pha trộn, không có gì thống nhất, trộn lẫn giữa chút nhiệt đới và chút ôn đới, giữa chút cổ điển và chút hiện đại. Nhìn những món đồ trang trí là hiểu được. Chúng đến từ những chuyến đi khác nhau ở Việt Nam hoặc những đất nước lân cận như chiếc mặt nạ lớn mang về từ Indonesia, chiếc mặt nạ châu Phi mang về từ Gabon – đất nước mà nữ chủ nhân từng sống thời niên thiếu, những chiếc đèn và đồ gỗ mua ở Sài Gòn trong những cửa hàng khác nhau như Decosy, Gomo, Feeling Tropic.
Chủ nhân biệt thự thích trộn lẫn phong cách, chẳng hạn chiếc bàn lớn bằng gỗ trong phòng ăn được đặt chung với những chiếc ghế hiện đại của Philippe Stark, đen và trong suốt. Bàn làm việc cũng thế. Nó mang dáng dấp phong cách những năm 1930 với chỗ ngồi là một chiếc ghế lưng tròn bằng da. Một ghế trường kỷ hiện đại hình L bằng lanh với những chiếc ghế bằng cói.
Đi kèm không gian nội thất với những màu nhẹ giúp không gian không bị rối.
Không gian bố trí gần như mở hoàn toàn tạo cảm giác thoáng và nhẹ nhàng.
Những món đồ châu Á làm bằng chất liệu tự nhiên kết hợp với những
bộ ghế bằng vải thô tạo cảm giác dễ chịu.
Phòng ngủ của những đứa trẻ.
Yêu thích chất liệu tự nhiên, nên chủ nhân lấp đầy ngôi biệt thự bằng những món đồ gỗ, mây và cói. Tông màu của chúng là trung tính, trộn lẫn màu trắng, be, hạt dẻ. Sắc màu cũng được thể hiện trên những áp phích theo chủ nghĩa kiến tạo Liên Xô cũ, những tranh in tay Indonesia, những tác phẩm hội hoạ Việt Nam.
Tuy nhiên, trong nhà lại có khá ít các món đồ trang trí, bởi chủ nhân muốn hướng chỗ ở của mình đến bản chất, đúng hơn là những giá trị cốt lõi là sự đơn giản, tính công năng và sự tiện lợi. Những giá trị này mang đến cho chỗ ở một cảm giác thư thái và êm dịu.
Sân thượng ngoài che phòng ăn, sân thượng kia nhìn ra vườn hoa với hồ bơi.
Mặt tiền ngoài với những mái vòm mang lại chút hơi hướm phong cách phương Đông.