Người mẫu gầy và người mẫu ngoại cỡ
Trước tiên chúng ta cần làm rõ vấn đề dùng kiểu thân hình nào thì sẽ có lợi nhất cho các nhãn hàng thời trang.
Kiểu người mẫu thanh mảnh, mình dây, có cơ thể dẹt và ngực nhỏ được xem là kiểu người tôn trang phục nhất. Khi trình diễn hoặc chụp hình, người mẫu có thân hình như thế này sẽ khiến người xem tập trung mắt nhìn vào trang phục.
Những người mẫu có thân hình đẫy đà, có đường cong, “có da có thịt” trước kia vốn không được ưa chuộng bởi theo quan điểm của các nhà mốt, họ sẽ khiến mắt nhìn tập trung vào cơ thể chứ không phải các thiết kế. Bên cạnh đó, người xem khó nhìn được phom trang phục trên cơ thể người mẫu mập. Ngoài ra, người mẫu ngoại cỡ cũng từng bị cho là không phù hợp với thời trang cao cấp vì kém thanh thoát, sang trọng.
Người mẫu gầy vốn rất được ưa chuộng
Tuy nhiên theo quan điểm mới thì việc sử dụng đa dạng các thân hình sẽ giúp các nhà mốt tiến đến gần với với khách hàng hơn và không gây bất bình đẳng trong làng người mẫu.
Làng thời trang vốn nặng tính duy mỹ, luôn có sự cạnh tranh khắc nghiệt. Theo một thống kê thì trung bình mỗi mùa thời trang có 70% gương mặt người mẫu mới. Chính bởi bộ máy hoạt động đào thải liên tục khiến cho các người mẫu không chỉ cạnh tranh với nhau về kỹ năng mà còn ở ngoại hình.
Do trước kia, gu của các nhà mốt là chuộng người mẫu mình dây nên các chân dài thường xuyên phải chịu áp lực về cân nặng và luôn có sự chạy đua để giảm cân.
Ngay cả các chân dài tên tuổi cũng không không dễ lách ra khỏi xu hướng sử dụng người mẫu này. Nhà mốt Ralph Lauren từng thẳng tay sa thải người mẫu Filippa Hamilton vì cô này bị tăng cân, siêu mẫu Coco Rocha từng bị chê quá béo, siêu mẫu búp bê Gemma Ward từng bị nhiều nhà mốt từ chối vì không mặc vừa trang phục cỡ 0, thậm chí cả siêu mẫu lừng danh Lara Stone cũng mất nhiều hợp đồng vì tăng quá nhiều cân trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Thân hình này của Lara Stone từng bị chê quá béo
Đối với những người mẫu trẻ ít nổi tiếng, việc giảm cân lại càng trở thành “nhiệm vụ sống còn” nếu muốn trụ lại trong làng mốt.
Người mẫu Georgina Wikin từng kể lại chuyện casting người mẫu khá kinh hoàng. 12 cô gái trẻ chỉ mặc độc chiếc quần chip đứng xếp hàng ngang. Người chịu trách nhiệm casting lướt một dọc qua từng người và nhanh chóng đưa ra quyết định chọn, không chọn.
Theo Wikin tiêu chuẩn để được chọn không gì ngoại việc bạn có cơ thể mặc vừa cỡ quần áo cực bé. Và cứ thế các cô gái trẻ lao vào chế độ giảm cân để đáp ứng nghề nghiệp. Bản thân Wikin cũng bị cuốn vào vòng xoáy giảm cân khắc nghiệt để có được công việc và không may, cô đã mắc phải chứng bệnh biếng ăn tâm thần cực kỳ nguy hiểm. Wikin phải đấu tranh với căn bệnh suốt 8 năm trời để giành giật lại sự sống.
Để lọt mắt các nhà tuyển lựa, bạn cần có thân hình như chiếc mắc áo
Chuyện ưa chuộng người mẫu “mình hạc xương mai” còn thể hiện ở hiện trạng là nhiều chiến dịch quảng cáo đã lạm dụng photoshop để “bóp” thân hình của người mẫu trở nên quá thon thả đến mức méo mó, kỳ quặc.
Gu dùng mẫu gầy khiến nhiều người mẫu có thân hình bình thường đi vào tình trạng "tuyệt chủng". Những người mẫu từ cỡ 4 trở lên thường xuyên bị các nhà mốt từ chối. Trong khi đó, những người mẫu có thân hình như thế này lại không thể tìm thấy công việc như một người mẫu ngoại cỡ bởi để được coi là "ngoại cỡ", họ sẽ phải mặc được quần áo kích cỡ 14 - 26.
Một số nhà khai thác quảng cáo còn không đồng ý cho phép người mẫu ngoại cỡ từ cỡ 16 trở lên được tham gia vào hình ảnh quảng cáo trên báo hay tạp chí.
Người mẫu gầy hom hem trên sàn diễn
Hệ quả của gu ưa chuộng người mẫu gầy gò khá nghiêm trọng. Nó đánh trực tiếp vào tâm lý khách hàng của các nhà mốt, đặc biệt là với đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Tại Pháp, có tới 40 ngàn người mắc chứng bệnh biếng ăn và không ít trong số này là các thiếu nữ trẻ bị ám ảnh bởi quần áo cỡ 0 “thần thánh”..
Theo một nghiên cứu tại Anh cho biết, thanh thiếu niên đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi những thân hình cò hương của siêu mẫu.
Chỉ 7% thiếu nữ trong cuộc khảo sát diện rộng tại Anh là ăn uống đủ 5 nhóm thực phẩm tối thiểu cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Theo giáo sư về tâm thần học Janet Treasure: "Ám ảnh bởi size 0 ma quái đã biến những cô gái trẻ hướng tới xu hướng ép cân nhờ ăn uống kham khổ và sử dụng cocaine”.
Và bà Janet Treasure cũng cáo buộc chính việc ưu ái mẫu gầy trong ngành công nghiệp thời trang cũng đẩy hàng triệu thiếu nữ rơi vào chứng trầm cảm và biếng ăn chỉ vì muốn bắt chước các cô mẫu xinh đẹp. Các cô gái trẻ truyền tay nhau những bí quyết từ "cơ học" như chỉ ăn cho biết vị rồi sau đó móc họng để nôn bằng hết những thứ vừa dung nạp vào người cho tới cả cách dùng ma túy để giảm cân.
Kinh hoàng hơn là cái chết của những “bộ xương di động”, có tới hàng chục trường hợp người mẫu chết vì chứng biếng ăn. Một số trường hợp nổi tiếng nhất là người mẫu Anna Carolina Reston chết trong tình trạng suy kiệt nặng, cặp chị em người mẫu Eliena và Luisel Ramos chết sau cơn trụy tim, người mẫu Israel Hila Elmalich chết do suy tim sau nhiều năm chiến đấu với căn bệnh chán ăn.
Người mẫu suy kiệt vì quá gầy
Ngoài ra còn có những người mẫu khác tìm tới con đường tự tử vì không chịu nổi áp lực giảm cân.
Trước tác hại của hiện trạng các nhà mốt ưa chuộng người mẫu siêu gầy, chính phủ nhiều nước đã phải thông qua các quy định nhằm hạn chế ảnh hưởng xấu của xu hướng này đối với người dân.
Hôm 3.4.2015, Hạ viện Pháp đã thông qua điều luật cấm sử dụng người mẫu siêu gầy. Theo đó những người mẫu không đạt chuẩn chỉ số cơ thể BMI trên 18, tức là một người mẫu cao 1m70 phải nặng tối thiểu là 54 kg. Theo điều luật này, những thương hiệu thuê người mẫu có thân hình quá “cò hương” sẽ phải chịu mức phạt lên tới 75 ngàn euro tương đương với 1.7 tỉ đồng và 6 tháng tù giam.
Trước đó tại một số nước như Isarel, Ý cũng ban hành điều luật cấm người mẫu siêu gầy, có chỉ số cơ thể không đạt chuẩn.
Theo đó nhiều nhà mốt và ngay cả 19 phiên bản của tạp chí Vogue cũng cam kết không sử dụng người mẫu siêu gầy và dưới 16 tuổi.