Trộm lấy cả xoong, nồi, ghế nhựa, vỏ chai bia…
Ngày 16/10, Công an thị xã Thuận An – Bình Dương tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ trộm táo tợn quán ăn Sa Kê (phường Hưng Định, Thuận An, Bình Dương – do chị Trần Thị Mỹ Hạnh, 42 tuổi, làm chủ. Quán ăn này rộng khoảng 1.000 mét vuông, có tiếng ở Thuận An với hàng trăm món ẩm thực. Theo nhận định ban đầu của công an, nhiều khả năng trộm đã dùng xe tải để khuân sạch các vật dụng trong quán.
Sáng 17/10, trao đổi với PV, chị Hạnh buồn bã kể: “Tôi mua phải mỹ phẩm giả nên khi dùng thì khuôn mặt biến dạng. Gần 1 tháng qua, tôi phải đóng cửa quán để đi điều trị. Cách đây 2 hôm, tôi đi mua thực phẩm về định mở quán gần như không còn gì”. Cụ thể, bọn trộm đã lấy đi 16 cây quạt treo tường, hàng trăm ghế nhựa, hàng loạt nồi nấu lẩu, bếp gas, bình gas, nồi áp suất, nồi cơm điện, mô tơ bơm nước… Ngay cả những két vỏ bia, bình nước uống loại lớn trộm cũng không tha. Theo bà chủ quán Sa Kê, nhiều khả năng kẻ trộm đã đột nhập quán khiêng đồ đạc trong ngày 14/10. Vì những ngày trước dù không buôn bán được nhưng chị Hạnh vẫn cắt cử người canh giữ quán.
Chị Hạnh cho biết, quán Sa Kê hoạt động gần 4 năm. Chị đã đầu tư gần 700 triệu đồng để xây dựng, mua sắm thiết bị. Suốt một tháng qua, dù quán không hoạt động nhưng mỗi ngày chị phải chi ra khoảng 2 triệu đồng để trả lương cho đội đầu bấp, tiếp viên… Chị kể: “Hiện tôi còn nợ ngân hàng hơn 200 triệu đồng. Hôm trước để có tiền mua thực phẩm, đồ dùng cho việc mở lại quán, tôi lại phải vay ngân hàng tiếp mấy chục triệu. Thế nên khi nhìn cái quán bị “rút ruột” tôi gần như chết đứng luôn”.
Được biết chị Hạnh từng ly hôn, hiện đang nuôi con. Chị sống trong một căn nhà ở phường An Thạch, thị xãThuận An – Bình Dương, cách quán Sa Kê vài cây số. Trên tường nhà chị Hạnh có treo bức chân dung chị chụp cách đây vài năm. Bức ảnh cho thấy, chị là một phụ nữ đẹp. Vì muốn giữ vẻ thanh xuân, cách đây khoảng một tháng, chị Hạnh đã mua mỹ phẩm có thương hiệu V. Tân để dưỡng da, trị nám, tàn nhang. Chị kể: “Chỉ sau ba ngày thoa mỹ phẩm V. Tân, mặt mày tôi dị ứng rồi sưng phù lên, đau rát, biến dạng, hai mắt không mở được. Tôi lên bệnh viện Da liễu ở sài Gòn khám thì bác sĩ khẳng định trong mỹ phẩm tôi dùng có chất độc”. Sau một tháng điều trị, da mặt chị Hạnh đã hết phồng rộp. Nhưng nỗi buồn mất của, nỗi lo nợ nần hiện đang khiến chị ủ dột.
Hàng rào kẽm B40 bị kẻ xấu cắt để đột nhập vào khoắn sạch đồ tại nhà chị Hạnh
“Tôi nghi bị trả thù”
Công an thĩ xã Thuận An đang khẩn trương sàng lọc, truy xét băng trộm tấn công quán chị Hạnh. Cơ quan điều tra cũng không loại trừ nghi vấn mà chị Hạnh đặt ra là bọn trộm có liên quan đến đường dây buôn bán, sản xuất mỹ phẩm giả. Mục đích của bọn trộm vừa là lấy tài sản vừa để trả thù chị Hạnh đã tố cáo đường dây mỹ phẩm giả.
Về quá trình giúp cơ quan chức năng triệt phá lò sản xuất mỹ phẩm giả, chị Hạnh kể: Chị mua mỹ phẩm thương hiệu V. Tân tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Tiết, thĩ xã Thuận An với giá 220 ngàn đồng/hộp. sau khi mặt mày biến dạng vì dùng mỹ phẩm này, chị tìm đến trụ sở của Công ty V. Tân ở thị xã Tân Uyên –Bình Dương để khiếu nại. Qua xem xét những hộp mỹ phẩm mà chị mang đến, phía Công ty V. Tân khẳng định, chất liệu và mùi hương của mỹ phẩm mà chị Hạnh mang đến hoàn toàn khác với sản phẩm của công ty. Còn vỏ hộp sản phẩm thì các đối tượng đã cố tình làm giống hệt vỏ của sản phẩm chính hiệu. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì ở phần vỏ hộp vẫn có chi tiết khác biệt giữa hàng thật và hàng giả.
Sau đó, chị Hạnh đã dẫn người của Công ty V. Tân và công an cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Nguyễn Văn Tiết. Để gài bắt quả tang, khi tới cửa hàng trên, người của công ty V. Tân đóng vai trò khách mua mỹ phẩm và hỏi mua 50 hộp mỹ phẩm thương hiệu V. Tân. Khi người của cửa hàng đưa mỹ phẩm giả ra thì công an ập vào bắt quả tang. Từ khai báo của cửa hàng và các thông tin khác, Công ty V. Tân và cơ quan chức năng Bình Dương quyết bắt cho được đầu nậu chuyện sản xuất mỹ phẩm giả thương hiệu V. Tân.
Quá trình điều tra cho thấy, đầu nậu chuyên cung cấp mỹ phẩm giả thương hiệu V. Tân sống tại khu vực quận Bình Tân, TP. HCM. Theo hướng dẫn của trinh sát, một nữ nhân viên tên H. của công ty V. Tân đóng giả khách hàng gọi cho đầu nậu có biệt danh là Đen, yêu cầu đối tượng mang 350 hộp mỹ phẩm đến bán cho mình tại Bình Dương. Tuy nhiên, Đen không chịu, đòi giao hàng tại TP.HCM. Để thuyết phục Đen, chị H. đề nghị: “Em à, chị đưa hàng này về miền Trung bán nên em giao cho chị ở bén xe Lam Hồng nhé”. Qua trao đổi, đối tượng Đen đồng ý giao 350 hộp hàng giả với giá 80.000 đồng/hôp (giá trên vỏ hộp là 220.000 đồng/hộp) và hẹn sáng 1/10 giao hàng.
Đúng hẹn, Đen giao lô hàng giả 350 hộp tại một quán cà phê “cóc” cạnh bến xe Lam Hồng ở phường An Bình, TX.Dĩ An thì lực lượng chức năng ập vào tóm gọn. Tại cơ quan công an, đối tượng Đen khai tên thật là Lâm Văn Quốc Khanh (SN 1994, ngụ Tam Nông, Đồng Thấp). Nơi ở và làm việc của Đen là một căn nhà thuê ở khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM. Khám xét địa chỉ này, công an phát hiện đây là lò sản xuất mỹ phẩm giả của Đen.
Căn nhà rộng chưa tới 80m2 này có rất nhiều lọ đựng mỹ phẩm giả nằm ngổn ngang cùng nhiều khuôn mẫu, máy dập, máy cắt, máy khoan. Đây là những công cụ để Đen “phù phép” làm ra một hộp mỹ phẩm giả. Để qua mặt lực lượng chức năng, phía trước cổng “lò” sản xuất mỹ phẩm giả này Đen treo bảng hiệu cơ sở sản xuất gia công nhựa Ngọc Phát và có số điện thoại liên lạc. Cơ quan công an phát hiện “mủ trộm” là nguyên liệu được Đen dùng làm mỹ phẩm, ngoài ra còn thu giữ nhiều lon sơn, hóa chất.
Chị Hạnh nói: “Sau khi cái lò sản xuất mỹ phẩm bị bắt. Nhiều báo đài đến phỏng vẩn tôi. Quán Sa Kê của tôi cũng lên ti vi. Có thể đồng bọn của đối tượng bị bắt xe, nên biết địa chỉ của tôi và tới ăn trộm để trả thù”.