Đến cảng Sa Kỳ lúc 9h sáng vì xe bus đến muộn, tôi bị trễ chuyến tàu cao tốc ra đảo Lý Sơn. Mất thêm 2 tiếng chờ tàu gỗ xuất bến và một tiếng rưỡi long đong trên tàu gỗ, cuối cùng tôi cũng đặt chân lên hòn đảo Lý Sơn xinh đẹp.
Điểm tham quan đầu tiên của chúng tôi là Chùa Đục, gần đỉnh ngọn núi lửa. Phải đến đây mới thấy được, Lý Sơn là sự kết hợp hài hòa của trời, mây, nước, núi và đá. Mùa nước cạn tháng 7, những ngọn cỏ trên đỉnh núi lửa chỉ kịp mọc lún phún nhưng cái màu xanh mướt ấy trải dài tít đến tận chân mây tạo cho ta có cảm giác như đang lạc vào thảo nguyên nào đó.
Cũng ngay trên đỉnh núi lửa đó thôi, nếu tầm mắt không bị thu hút bởi cái thảo nguyên kia, người ta cũng có thể bị hớp hồn những khung cảnh nên thơ khác của hòn đảo.
Một bên là cảnh tượng Quan âm tựa mình vào lưng núi, một bên là những ruộng tỏi đang độ ươm.
Tạm biệt chùa Đục, chúng tôi vòng qua phía bên kia của hòn đảo để khám phá Chùa Hang. Cảnh hoàng hôn ở trên chùa Hang là một trong những khung cảnh nên thơ nhất mà tôi gặp trong chuyến đi dài ngày này.
Dưới ráng chiều vàng ruộm của buổi hoàng hôn, trẻ con thi nhau lần mò trên bãi cạn để bắt những con cầu gai còn vướng vào đám rong rêu.
Phía xa xa, con thuyền đánh cá chầm chậm tiến ra khơi chuẩn bị cho một mẻ đánh bắt xa bờ. Mọi thứ diễn ra thật thong thả và yên bình giống như một thước phim quay chậm.
Tạm biệt cảnh hoàng hôn ở chùa Đục chúng tôi vòng qua phía bên kia của hòn đảo, nơi ánh nắng vẫn còn lan tỏa. Băng qua những cánh đồng dưa ngút ngát. để lên đỉnh Thới Lới, chúng tôi không thể không dừng lại mua vài ba trái dưa ăn đường. Dưa hấu ở đảo là loại dưa trồng trên đất cát, rất ngọt và nhiều nước.
Con đường đèo lên đỉnh Thới Lới cũng lắt léo và uốn lượn như những cung đường đèo ở Mai Châu hay Mộc Châu vậy.
Qua lên đến gần đỉnh dốc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước khung cảnh hùng vĩ nơi đây.
Trước mắt chúng tôi là những vách đá phủ dây leo men theo triền bờ biển trải dài, mênh mông, xanh mượt. Buổi chiều của chúng tôi kết thúc trong tiếng sóng biển vỗ rì rào đập vào ghềnh đá
(Theo Zing)