Trước vấn nạn bạo lực học đường, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số nhà giáo dục, chuyên gia nhằm gợi mở những giải pháp ngăn chặn vấn nạn nhức nhối này:
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo Dục và Đào tạo: "3 trụ cột cốt lõi: Gia đình, nhà trường và xã hội"
Vai trò của mỗi trụ cột này có thể tác động ở các mức độ khác nhau tùy theo lứa tuổi, trình độ giáo dục của mỗi người. Tôi luôn quan niệm gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách đạo đức của con người ngay từ khi lọt lòng mẹ. Một đứa trẻ sống trong một gia đình có truyền thống đạo đức tốt, cha mẹ, anh chị em hòa thuận, thường quan tâm đến người khác, sống trung thực…thì đứa trẻ đó sẽ tiếp thu được các giá trị đó một cách khá tự nhiên.
Nhưng nếu đứa trẻ sống trong một gia đình, tràn ngập không khí bạo lực của cha mẹ hay anh chị em, cha mẹ cũng nói tục và chửi bậy hoặc coi thường luật pháp thì đứa trẻ sẽ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu đó ngay từ trong gia đình. Và khi được đến lớp có giáo dục tốt đến đâu đi nữa cũng rất khó giúp cho đứa trẻ hình thành một nhân cách tốt.
Vấn nạn học sinh đánh nhau (Ảnh internet)
Một nghiên cứu giáo dục cho biết rằng: "50% khả năng học tập của trẻ được phát triển trong 4 năm đầu đời. Điều đó nói lên cha mẹ là nhà giáo dục quan trọng nhất của thế giới. Thế nhưng, không một chính phủ nào tiêu ngay cả đến 1% ngân sách giáo dục để đào tạo cho những nhà “giáo dục” quan trọng này. Qua đó cho thấy giáo dục trong gia đình cực kỳ quan trọng giúp cho người ta hình thành nhân cách sau này. Đương nhiên, trình độ giáo dục của cha mẹ và các thành viên trong gia đình lại liên quan đến các yếu tố nhà trường và xã hội.
Khi đứa trẻ lớn lên được đưa đến trường và hòa nhập mang những trải nghiệm từ gia đình vào xã hội sẽ chịu ảnh hưởng của nội dung và phương pháp giáo dục trong nhà trường cũng như chịu tác động từ bạn bè, thầy cô, sách vở, phim ảnh và phương tiện thông tin đại chúng…Với sự dạy dỗ mang tính vừa giáo dục, vừa định hướng của các thầy cô giáo sẽ giúp học sinh điều chỉnh và thay đổi hành vi phù hợp với các chuẩn mực giá trị chung và đặc điểm tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ.
Tuy nhiên, các chuẩn mực chung được thiết kế không chuẩn, thiếu tôn trọng phát triển cá nhân trong sự hài hòa với lợi ích cộng đồng thì nhân cách học sinh sẽ phát triển lệch lạc. Ngoài ra phong cách giao tiếp của thầy cô giáo với học sinh, cũng như với đồng nghiệp, quan niệm về các giá trị, cách thức thể hiện của các thầy cô sẽ ảnh hưởng đến nhân cách học sinh tiếp nhận theo kiểu bắt chước. Cả cái hay và cái dở trong nhà trường HSSV đều có thể chịu ảnh hưởng và mức độ tiếp nhận sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối mỗi người.
Trên bình diện xã hội cả những cái tốt và cái dở trong xuất hiện trong xã hội cũng như quan niệm và hành vi phổ biến trong xã hội về giá trị đạo đức đều có thể ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách. Một xã hội con người luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp, sống trung thực nhân ái, yêu quê hương đất nước, có tôn ti trật tự là giá trị cốt lõi của xã hội thì con người trong môi trường đó sẽ có điều kiện tốt hình thành nhân cách.
Trái lại, một xã hội mà kỷ cương phép nước không giữ nghiêm, xử lý không nghiêm mình, thiếu dân chủ, tham nhũng nhiều, tính mạng của người dân bị xem nhẹ, cơ quan công quyền với những nhân viên hách dịch….thì sẽ tác động không nhỏ với thanh thiếu niên nói chung và HSSV nói riêng tạo ra một tâm lý mất lòng tin vào các giá trị đúng.
Một ông bố đèo con đi học không có mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi lưu thông, lạng lách.. (tôi thường thấy) chắc chắn sẽ là tấm gương tồi ảnh hưởng đến hành vi coi thường pháp luật sau này của đứa trẻ. Tóm lại hình thành nhân cách của mỗi người chịu ảnh hưởng nhiều của 3 yếu tố gia đình – nhà trường và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau trong đó gia đình và xã hội là 2 yếu tố quan trọng nhất hình thành nhân cách HSSV.
PGS.TS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Lương Thế Vinh: "Đưa Giáo dục công dân thành môn thi"
Chuyện đánh nhau trong thời điểm còn theo học thì ở nước nào cũng có, trường nào cũng có, trẻ con hiếu động, có đánh nhau vài cái rồi cũng thôi. Bạo lực học đường bây giờ đang đến mức nguy hiểm và đáng báo động. Việc đánh nhau mà quay clip đăng lên các trang mạng xã hội là có tổ chức, có âm mưu, có kêu gọi người tham gia là hết sức nguy hiểm.
Vô tình làm cho tuổi trẻ các em bị ăn sâu vào các cuộc bạo lực, bất kể trong hoàn cảnh nào. Đó là điều chúng ta dễ thấy và cần lên án, cần thay đổi phương pháp giáo dục.
PGS.TS Văn Như Cương
Trước hết là về mặt nhà trường, lâu nay chúng ta quan niệm việc học chữ, học kiến thức trong nhà trường là điều hiển nhiên và học cách làm người, học nhân cách ứng xử,... là hoàn toàn không có.
Trong bộ sách giáo dục công dân thì không có những điều này. Việc giáo dục đạo đức là một môn rất lớn trong nhà trường mà hiện nay chúng ta cần thay đổi toàn diện giáo dục, học kiến thức ít đi, không học những kiến thức vô bổ, học những kiến thức ứng dụng vào thực tế, và cần đưa học sinh vào thế giới thực nhiều hơn như những môn trải nghiệm, sáng tạo,… đưa học sinh gia nhập vào cuộc sống xã hội.
Hiện nay, sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường rất lỏng lẻo. Trong khi đó, gia đình có sự tác động rất mạnh đến tình trạng bạo lực học đường.
Phương tiện truyền thông báo chí có tác động rất lớn tới chuyện bạo lực. Hãy giảm việc đăng tải các bài viết liên quan đến giết người, án mạng,… để lứa tuổi thanh thiếu niên không bị những tác dụng gây nên.
Môn Giáo dục công dân trước kia đã giáo dục đúng, học môn giáo dục công dân thì phải biết hết các tổ chức nào, liên hiệp quốc, các nước như thế nào, nghị trường ra sao chứ không có những cái căn bản nhất của trẻ em đến trường. Đi ngoài xã hội, luật pháp ra sao thì chúng ta không dạy, có dạy cũng chỉ có lý thuyết suông.
Cho nên Giáo dục công dân là phải giáo dục một cách thực sự, có những biện pháp như tổ chức các chuyến đi dã ngoại, đi cứu chợ cho trẻ em vùng cao, quần áo, sách vở, một chuyến đi như vậy sẽ thực sự có tác dụng hơn nhiều.
Tất cả các môn học ở trường đều quan trọng, nhưng có 3 môn mà chúng ta chú trọng nhất là môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Còn tất cả các môn học đều quan trọng như nhau, chỉ khi chúng ta quan niệm là môn phụ thì tự khắc sẽ là môn phụ, bởi hầu như không có thi cử với môn Giáo dục công dân.
Tất cả những điều đó đều gây ra tâm lý không học cũng có thể đậu đại học; cách kiểm tra, kiểm định chất lượng cũng phải khác nếu chúng ta muốn giáo dục một cách thật sự.
Một bài thi của trường ĐH QGHN năm vừa rồi bằng hình thức thi trắc nghiệm rất đáng để xem xét, có rất nhiều câu hỏi trong các môn khác nhau kể cả Giáo dục công dân, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Hóa học,… nghĩa là đại học có cái gì thì người ta kiểm tra cái đó, điều đó là tốt. Đây cũng là một hình thức thì cần phải nghiên cứu.
Trường chúng tôi vừa đưa học sinh lên vùng Simacai trên Lào Cai để các em được phát quà trung thu, quần áo cho các trẻ em vùng cao. Khi các em nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa ở những nơi khó khăn, người ta mặc, ăn cơm thiếu điều kiện, thậm chí đến cái thìa cũng không đủ, thì học sinh sẽ có cơ hội san sẻ tình yêu thương, không vô cảm trong giáo dục.
Họ sẽ biết thông cảm với các hoàn cảnh khó khăn và tình yêu thương bạn bè giúp đỡ nhau như thế nào.
Ngoài ra, trường cũng tổ chức cho các em đi làm từ thiện, chia và phân phát cháo ở các bệnh viện, để các em thấy được những nỗi cực khổ của người bệnh. Tất cả những thứ đó sẽ tác động trực tiếp đến suy nghĩ của các em, giáo dục là phải như thế chứ không phải là lý thuyết suông.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: "3 môi trường giáo dục chưa thực sự kết dính"
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, đổ lỗi cho nhà trường trong việc xuống cấp đạo đức của một số bộ phận học sinh là hoàn toàn không phải, bởi học sinh có phải sống ở nhà trường đâu, đồng thời, cũng không thể đổ lỗi cho gia đình. Đây là nền giáo dục chung của xã hội, gồm có giáo dục gia đình, giáo dục học đường, giáo dục xã hội. 3 môi trường giáo dục này chưa thực sự kết dính chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau.
GS.TS Phạm Tất Dong
Cho nên, những điều bố mẹ nói, có khi ra ngoài xã hội lại phản tác dụng, thêm vào đó, trẻ con trong giai đoạn trưởng thành lại nghịch ngợm, thấy vài câu nói không mấy lịch sự lại cho là hay, rồi bắt chước nói tục, mà nói một lần, hai lần không sao, nhưng ba rồi bốn lần thì thành thói quen.
Kể cả trong gia đình, bố mẹ dạy con “mày không được chửi bậy” nhưng chính bố mẹ cũng đang dạy con bằng phương pháp chửi bậy đó. Nếu bố mẹ đã chửi tục một lần thì những lần sau những đứa con gặp khó khăn nó cũng chửi tục luôn. Đây là hệ quả chung của xã hội do không tương đồng, không thống nhất giáo dục.
Cũng theo ông Dong, giáo dục mà chỉ bằng lý thuyết sẽ không có tác dụng với giáo dục con người, mà phải làm thế nào để những đạo lý thể hiện ra hành động.
Nếu bảo những đứa trẻ thường xuyên đánh nhau, có thể do nguyên nhân từ gia đình có bạo lực, cũng có những đối tượng gia đình tốt thôi nhưng bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Thế nên, muốn sửa là phải sửa căn bản cho toàn hệ thống giáo dục.
Bộ cũng muốn Giáo dục công dân trở thành môn có tác dụng lớn, vì đào tạo cả một mảng quan trọng về nhân cách. Nhưng nếu tổ chức thi không cẩn thận, không kiểm tra đến chất lượng đạo đức có thể xảy ra tình trạng "miệng nói đạo đức nhưng thực tế lại không đạo đức".
Việc đánh giá về đạo đức đòi hỏi phải có trải nghiệm, học sinh phải thấy được trong cuộc sống làm những cái gì để trở thành thật thà. Thực ra, giáo dục đạo đức nằm trong tất cả các môn, môn Giáo dục công dân chỉ là một môn mang tính chất nhắc nhở lại.
Trong quá trình theo học, việc rèn luyện đạo đức cho học sinh cần được đặt lên hàng đầu, không thể có học sinh lưu ban do trượt Toán nhưng lại không lưu ban do trượt Đạo đức.