Sailor Gutzler, bé gái 7 tuổi là nạn nhân sống sót duy nhất khi chiếc máy bay cỡ nhỏ đâm xuống một khu rừng rậm. Bé đã bước ra khỏi khu rừng lạnh đến nơi an toàn cách xa 1,6km để được chăm sóc, nhưng sau đó trở lại chỉ chỗ cho cảnh sát tìm kiếm những mảnh vỡ của chiếc máy bay và thi thể của những người trong gia đình.
Điều tra viên của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Mỹ cho biết khi máy bay rơi, cô bé mặc trang phục như người đi biển vùng Florida, chỉ mặc quần ngắn, áo ngắn tay và chỉ còn 1 chiếc vớ khi cô tìm đến một ngôi nhà cách nơi máy bay bị nạn hơn một cây số.
Giới chức cho biết cô bé đã đi bộ xuyên qua một cánh rừng rậm dưới thời tiết gần đủ đóng băng.
|
Cô bé Sailor 7 tuổi sống sót và hình ảnh gia đình cùng chiếc máy bay lâm nạn. |
Sailor đã đi đến và gõ cửa ngôi nhà của ông cụ Larry Wilkins,k 71 tuổi. Ông cụ ra mở cửa, thấy cô bé người đầy máu đang khóc nên đã gọi cho cảnh sát. “Cô bé bảo tôi rằng cha mẹ cô ấy đều đã chết và cô bé từ nơi máy bay rơi. Chiếc máy bay đã bị chổng ngược” – ông Wilkins nói.
Những phần còn lại của chiếc máy bay Piper PA-34 đã được chuyển đi xét nghiệm và các quan chức điều tra cũng chưa cho biết nguyên nhân máy bay rơi và tại sao cô bé còn sống sót.
Vụ tai nạn đã giết chết cha mẹ của Sailor: Marty Gutzler, 48 tuổi và vợ ông Kimberly Gutzler, 46 tuổi cùng với chị Sailor là Piper Gutzler, 9 tuổi; người anh bà con Sierra Wilder, 14 tuổi. Tất cả đều là người vùng Nashville, Illinois.
Phép màu trên sông Hudson
Ngày 15/1/2009 đã đi vào lịch sử hàng không thế giới khi chiếc Airbus A320 của hãng hàng không US Airways đã hạ cánh hoàn hảo xuống dòng sông Hudson, New York, Mỹ vì sự cố động cơ. Khi máy bay va chạm với đàn ngỗng trời, cả hai động cơ của nó rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Sự cố khiến cơ trưởng Chesley B. Sullenberger quyết định hạ cánh máy bay xuống nước.
|
Cú hạ cánh ngoạn mục của chiếc Airbus A320 trên sông Hudson năm 2009. |
Cú hạ cánh thành công giúp cứu sống 155 hành khách và thành viên phi hành đoàn trong sự kiện được truyền thông gọi là “phép màu trên sông Hudson”.
|
Cú "hạ cánh" này đã được truyền thông ca ngợi là “phép màu trên sông Hudson”. |
Tuy nhiên, các điều tra chuyên sâu khẳng định kinh nghiệm của cơ trưởng Sullenberger, người từng lái phản lực chiến đấu F-4 Phantom II đã cứu sống các hành khách. Ngoài ra, mẫu máy bay này cũng được thiết kế để chịu được cú va chạm có tính toán xuống nước.
Nữ sinh sống sót 11 ngày trong rừng sau tai nạn máy bay thảm khốc
Chiếc máy bay chở Juliane Koepcke và 92 hành khách khác bị sét đánh trên không phận Peru ngay trong đêm Giáng sinh năm 1971 và nổ tung. Cônữ sinh trung học bị bật tung khỏi máy bay và rơi xuống khu rừng nhiệt đới Amazon từ độ cao 3,2 km. Người cô vẫn dính chặt vào ghế. Koepcke sống trong khu rừng này 11 ngày trước khi được những người thợ đốn cây cứu. Cô bị gãy xương đòn.
Thoát chết nhờ nhảy khỏi máy bay từ 10.000m
Tháng 1/1972, nữ tiếp viên hàng không Serbia, 22 tuổi, thoát chết nhờ nhảy từ đuôi chiếc máy bay trên độ cao 10.000 mét trước khi nó nổ tung. Vesna Vulovic rơi xuống vùng tuyết ở Czech và bị gãy hai chân. Nhưng có một số nguồn tin cho rằng Czech đã phóng đại về độ cao mà nữ tiếp viên nhảy từ máy bay xuống để che giấu việc họ bắn nhầm chiếc phi cơ chở khách.
Phóng viên sống sót trên chuyến bay chở tổng thống
Vụ tai nạn máy bay khủng khiếp ngày 17/3/1957 khiến tổng thống thứ 7 của Phillippines, Ramon Magsaysay, và rất nhiều quan chức quân sự cấp cao khác thiệt mạng. Chiếc C-47 cất cánh từ thành phố Lahug để tới Nichols Field. Các nhân chứng cho biết, máy bay không đạt đủ độ cao khi bay sát các rặng núi ở Balamban.
|
Phóng viên Nestor Mata là người sống sót duy nhất trên chuyến bay chở tổng thống. |
Nestor Mata, phóng viên một tờ báo của Phillippines, là người may mắn sống sót trong khi 25 người khác bỏ mạng. Mata cho biết, ông ngồi ở hàng ghế thứ hai, sát khoang của tổng thống. Khi sự cố xảy ra, ông thấy bỗng một ánh sáng chói lóa rồi bất tỉnh. Người dân quanh đó đã đưa ông tới bệnh viện và sức khỏe của ông bình phục sau đó.
Thoát chết sau tai nạn máy bay nhờ uống nước cầm hơi
Annette Herfkens, 31 tuổi, sống sót khi chiếc Yak 40 của hãng hàng không Vietnam Airlines đâm xuống vùng núi gần Nhà Trang tháng 11/1992. Cô mắc kẹt trong thân máy bay và sống nhờ nước mưa cho tới lúc nhân viên cứu hộ tới 8 ngày sau đó. Cô cho hay ban đầu còn nghe thấy tiếng khóc của những hành khách khác song họ đều chết trước khi những nhân viên này đến.
Theo Khỏe & Đẹp