Cơ sở chế biến da rắn của Wakira sản xuất ra hàng trăm mét da rắn để bán cho các nhà máy ở tỉnh Tây và Trung Java để phục vụ cho việc sản xuất cặp, túi xách, giày dép, ví và thắt lưng. Trong khi thịt rắn được dùng làm thuốc có tác dụng chữa trị các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hay các bệnh ngoài da hay thậm chí là thuốc kích thích sinh lực cho phái mạnh.
Wakira thuê 10 nhân công làm thuê trong lò giết mổ rắn và mỗi tháng anh thu nhập được 15 triệu rupiah (khoảng 1.562 USD). Trong khi giá thành phẩm một chiếc túi xách làm bằng da rắn có trị giá từ 15 – 31 USD tùy thuộc vào kích cỡ. Những sản phẩm này khi đến thị trường thời trang châu Âu sẽ đội giá lên rất nhiều lần với giá bán khoảng 4.000 USD/sản phẩm.
Những con rắn được người dân trong làng bắt và bán theo đơn lẻ, tuy nhiên cũng có những người tập trung thành phường hội bắt rắn và săn rắn ở trong các khu rừng rậm hay vùng ngập nước, ao chuôm, đầm hồ để săn trăn huyết và trăn mắt lưới khổng lồ hoặc những loài rắn nhỏ khác. Rắn bắt được sẽ được đựng trong những chiếc bao bằng vải và bán cho những cơ sở chế biến thô như lò rắn của Wakira.
Tại xưởng chế biến da rắn, con rắn sẽ bị giáng một đòn chí mạng từ phía sau đầu cho đến chết, sau đó một vòi nước được kẹp vào hàm của nó để dẫn nước vào trong cơ thể rắn, biến chúng thành một quả bóng nước. Một chiếc dây da buộc chặt quanh cổ rắn để ngăn cho chất lỏng bên trong tràn ra. Đầu của rắn bị nắm chặt bằng một tay trong khi tay kia dùng một chiếc móc rạch một đường nhanh và chính xác trên cơ thể rắn, da sẽ được lột ra giống như người ta cởi găng tay cao su ra khỏi bàn tay mình vậy.
Da rắn sau đó được đặt trên một chiếc phên mắt cáo bằng thép và được sấy khô trên lò sấy, sau đó được mang đi nhuộm theo phong cách cũng như hình dáng của mẫu túi đã được định sẵn rồi lại được đặt lên một mặt phẳng rộng để hong khô dưới ánh mặt trời.
Lò giết mổ rắn của Wakira là một trong rất nhiều những cơ sở giết mổ rắn trái phép ở Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ tính riêng ở Indonesia đã có đến 150.000 người sống bằng nghề bắt rắn.
Những nhân công trong lò giết mổ, chế biến rắn của Wakira.
Công việc chế biến da rắn được thực hiện thủ công hết sức trơn tru.
Da rắn sau đó được đặt lên những chiếc phên mắt cáo để cho vào lò sấy như nướng bánh mì.
Công đoạn sấy da rắn trong lò.
Sau khi được nhuộm màu theo yêu cầu, da rắn lại được mang phơi khô dưới ánh mặt trời.
Qúa trình thiết kế da rắn tại một xưởng chế biến đồ da rắn.
Một chiếc túi da rắn đã được hình thành qua đôi bàn tay của một thợ may da rắn.
Một chiếc túi da rắn đã hoàn thành.
Công đoạn gia công sẽ hoàn chỉnh để cho ra đời một sản phẩm có giá 4.000 USD hoặc hơn thế nữa ở thị trường châu Âu.