Giáp: - Này ông, khi một người đâm đơn kiến nghị đình chỉ phát hành một cuốn sách thì là lỗi do sách hay do người kiến nghị?
Ất: - Ô hay, ông này hỏi ngộ ghê! Đương nhiên là do sách rồi, không lẽ tự dưng người ta rỗi hơi mà đi kiến nghị?
Giáp: - Ông nói thế chưa chuẩn. Tại sao cũng cuốn sách đó người khác lại khen rầm trời, còn anh kia lại hậm hực chửi bới và đi kiến nghị cấm phát hành. Rõ ràng anh chàng kia có vấn đề.
Ất: - Ờ ha! Ông nói cũng có lý nhưng vẫn chưa bằng tôi. Nhưng mà này, ông có biết lý do gì mà người ta lại đâm đơn kiến nghị đình chỉ phát hành cuốn sách kia không?
Giáp: - Thì anh kiến nghị nói là do người viết sách không trung thực, nổ như pháo, lại còn thái độ thách thức dư luận... nên anh ta ngứa mắt quyết ăn thua, đòi kiện tới cùng đấy.
Ất: - Úi trùi! Căng à nha! Mà ông đang nói đến sách gì ta? Có phải “sách đen” không?
Giáp: - Khà khà! Ông đúng là lạc hậu hơn cả vợ thằng Đậu. Dân chúng đang bàn tán rầm trời về cuốn sách này đó ông ơi. Sách viết dưới dạng nhật ký, kể về hành trình của tác giả là một cô gái mới ngoài hai mươi, đã đi du lịch phủi một mình qua hơn hai mươi nước chỉ với số tiền ban đầu là mấy trăm đô la thôi.
Ất: - À à, xạo à nha. Tôi không nói ông xạo, mà nói cô tác giả kia xạo, tôi cóc thèm tin. Xưa giờ chỉ nghe có Đường Tăng sang Tây Trúc lấy kinh là đi qua nhiều nước nhứt, nhưng vẫn phải có Tôn Ngộ Không hộ tống, không thì bị làm thịt ngay.
Giáp: - Thì cũng có nhiều người không tin như ông. Họ nghi ngờ nhiều chi tiết trong sách là vô lý, có vẻ không thật. Khi họp báo thì tác giả lại trả lời không được thuyết phục, thế nên nhiều người tỏ thái độ phản đối, ném đá rào rào.
Ất: - Thế ông có tin tác giả viết đúng sự thật không?
Giáp: - Tôi cũng không tin lắm. Có vẻ tác giả hơi cường điệu, làm cho người đọc thấy em ý đi đến đâu cũng trở thành nhân vật quan trọng nhất, người săn kẻ đón, người nể kẻ phục... Một người lang thang giữa Châu Phi mà thường được ở biệt thự, được mời làm quản lý trong khi không có chuyên môn... thậm chí trong vòng 6 tháng mà em ý nói đã viết 200 bài trên website công nghệ... tóm lại là nhiều chi tiết hoành tráng quá sức tưởng tượng. Nhưng tôi cho rằng điều đó không quan trọng. Tôi tin là em gái đó đã một mình đi được nhiều nước, có thể không đủ chừng đó nước như đã công bố, nhưng một mình thân gái dặm trường dám đi như em ý cũng đã là nghị lực phi thường. Ước gì mình được đi cùng cô bé đó thì có phải tuyệt không.
Ất: - Hố hố! Đã gọi là Nhật ký thì phải viết cho chân thực chứ. Nếu em ý thích tưởng tượng bay bướm thì sao không viết truyện viễn tưởng đi? Hoặc nếu muốn nửa thật nửa giả thì bảo là Truyện – ký cho đỡ tranh cãi, đằng này bày đặt nói là Nhật ký nên bị phản đối là đúng rồi.
Giáp: - Nhưng mà mình cũng phải thông cảm cho em ý một tẹo chứ. Thời buổi kinh tế thị trường, người làm sách người ta nghĩ ra nhiều trò lắm. Đôi khi nhấn cái này lơ cái kia, thổi chỗ này, bóp chỗ nọ... là tác giả phải chiều theo. Khi đã rơi vào thế rồi thì tác giả không thể nói thật “chăm phần chăm” như khi uống bia được.
Ất: - Ông nói vậy cũng có cái lý. Nói là nhật ký thì là phải viết cho chuẩn, phải tôn trọng độc giả chớ. Quảng cáo một đằng, viết một nẻo, theo tôi cấm là đúng.
Giáp: - Đúng cái con khỉ khô! Cấm hay không phải căn cứ vào luật xuất bản, sách in ra có giấy phép đàng hoàng, nội dung sách không vi phạm luật xuất bản thì đừng hòng cấm. Nếu anh không thích đọc thì khỏi mua, nếu lỡ mua rồi mà không muốn đọc thì anh có thể đem gói xôi hoặc nhóm bếp. Đằng này chỉ vì thái độ của người viết khó ưa mà anh ta kiến nghị cấm thì rõ là bỏ bóng đá người, lỗi ngớ ngẩn. Nhất là khi chưa đọc mà đã đề xuất cấm thì lại càng hồ đồ.
Ất: - Về lý là như vậy, nhưng tôi thấy cứ thế nào ý. Người đọc bỏ tiền ra mua sách, không phải chỉ để học cái nghị lực (và cả sự liều mạng của tác giả), mà người ta muốn biết chi tiết những trải nghiệm thực tế của em, để xem em ý làm điều kì diệu đó bằng cách nào. Em ý bịa thêm thì hóa ra là lừa người đọc rồi, người mua sẽ có cảm giác như mua phải đồ rởm. Ở đây có hai khả năng, một là em ý bịa thật, hai là em ý kể chuyện thật như bịa nhưng lại không giải thích thấu đáo khiến người đọc tin là chuyện bịa. Cả hai trường hợp đều như nhau thôi, người ta bức xúc là đúng. Tôi cũng tẩy chay, cần phải tìm ra sự thật.
Giáp: - Ôi trời đất quỷ thần ơi! Các ông chê cô bé hoang tưởng, các ông còn hoang tưởng hơn khi mà cứ đòi đi tìm sự thật. Sự thật á? Ông đi xét nghiệm máu cầm kết quả trên tay cũng chưa chắc là kết quả thật đâu nhá. Thấy một vị dáng bệ vệ, trán cao mắt cận thì cũng đừng vội tin bằng tiến sỹ của ông ta là thật nhá. Đến đạo đức cũng còn có đạo đức giả nữa là.
Ất: - Ừ nhỉ! Chuyện một cô bé đi chơi, có bịa thêm vài tình tiết ly kỳ cho giống trong phim thì cũng chẳng chết ai, thế mà nhiều anh cứ đòi đè ngửa ra để tìm sự thật... Bao nhiêu thứ quan trọng sao không thấy người ta hò nhau đi tìm sự thật, mà cứ phải ồn ào, cứ mải mê hùa vào ném đá một cô bé?
Giáp: - Ông nói chí phải. Nhiều bác lên ti-vi nói hoành tráng lắm nhưng chớ có vội tin. Tôi cho rằng người thông minh thì luôn biết nghi ngờ, chỉ có kẻ ngu ngốc thì luôn tuyên bố là chắc chắn.
Ất: - Ông chắc chứ?
Giáp: - Chắc chắn.
Ất: - Ha ha...
Giáp: - (phì khói ra tai)
Ất: - Mà thôi, trong chuyện này, cả người viết sách và người kiến nghị cũng chả có gì hay ho để thiên hạ phải ồn ào. Tôi với ông còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu thứ cần quan tâm mà cứ ngồi đây tranh luận và chém gió mất thời gian quá. Thôi, ta hãy nhấc mông lên mà đi làm việc thôi nào.
HienMQ