Từ Hà Nội, đi theo quốc lộ 2 và chuyển sang quốc lộ 32 khi qua địa phận tỉnh Phú Thọ, vượt đèo Khau Phạ (một trong tứ đại đèo của Tây Bắc), bạn đã đến được Mù Căng Chải. Đây là một huyện thuộc tỉnh Yên Bái nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt biển. Các thửa ruộng bậc thang nằm trên ba xã thuộc huyện là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng danh thắng quốc gia.
Cuối tháng 9 kéo dài đến khoảng giữa tháng 10 là thời điểm thu hoạch vụ lúa mùa trong năm. Thời gian này, những bông lúa trĩu nặng hạt dần chuyển sang màu vàng. Màu xanh tươi non mơn mởn của những thửa ruộng được thay bằng sắc vàng óng. Trong ánh nắng của mùa thu, giữa trập trùng của núi, của đèo, những thửa ruộng bắc ngang như những dải lụa mềm mại uốn quanh và tiếp nối đến ngút ngàn.
Đẹp đến sững sờ, đến nghẹt thở, ngất ngây lòng người… là những mỹ từ mà du khách đã thốt lên trước sự quyến rũ của tuyệt tác mà con người tạo ra hòa lẫn giữa thiên nhiên hùng vĩ. Một điểm đặc biệt của ruộng bậc thang là tạo hình rất đa dạng. Nương theo thiên nhiên, theo hình dạng của từng quả đồi, từng độ cao, mỗi thửa ruộng lại mang một hình thù khác nhau. Nơi thì trông như một chiếc tàu 5 sao khổng lồ, không xa là một bầu ngực căng đầy của người thiếu nữ hoặc nhiều chiếc nón xếp lên nhau; nơi khác lại là chiếc mâm xôi…
Uốn cong, ôm dưới chân ruộng là dòng suối lững lờ chảy, những chiếc chòi giữ lúa nhỏ xinh được làm theo dạng nhà sàn lấp ló giữa ruộng lúa tạo nên khung cảnh nên thơ như bức tranh thủy mặc khiến du khách không khỏi thổn thức.
Không chỉ ngắm cảnh, đến đây du khách còn có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân bản địa. 90% dân cư Mù Căng Chải là người dân tộc Mông. Vốn có truyền thống hiếu khách, dù là người quen hay lạ nhưng khi bạn ghé thăm nhà, họ đều sẵn sàng mời bạn dùng bữa và uống rượu. Trong nhà người Mông luôn có thịt gác bếp, có thể là thịt trâu hoặc lợn.
Mái nhà được biến thành giàn để bí đỏ leo lên, ra hoa, đậu quả, thế nên luôn có rất nhiều quả bí nằm lăn lóc trên mái như những chú lợn con. Quanh nhà người Mông luôn treo đầy ngô.
Váy của phụ nữ Mông có hoa văn rất cầu kỳ, do chính tay họ thêu.
Từ sáng sớm, những người phụ nữ Mông đã ra chợ, mang theo những thứ họ trồng được đem bán để đổi lấy hàng hóa, cũng có nhiều chị em ra chợ chỉ để ngắm người qua lại.
Trẻ em người Mông hiện đã được đi học nhiều. Những cậu học trò Mông còn mang theo cả cặp lồng cơm.
Trường học, trạm xá của xã La Pán Tẩn khá khang trang.
Vẻ ngây thơ, đáng yêu của trẻ em vùng cao.
Ngay cả cây lá ngón, loại cây mà chỉ cần ăn một lá sau vài phút đã có thể vĩnh biệt nhân gian, cũng mang vẻ đẹp rất lãng mạn.
Đây cũng là mùa thu hoạch táo mèo, một đặc sản của Tây Bắc.
Mùa này dễ dàng bắt gặp những đoàn xe phượt chinh phục Tây Bắc để thưởng ngoạn vẻ đẹp của đất nước và tìm kiếm những shoot hình độc đáo.
theo phunuonline