Làng Cù Lần là một điểm tham quan hoàn toàn mới toanh trên bản đồ du lịch Đà Lạt, chỉ mới đưa vào hoạt động hơn một năm nay. Quả thật, đây là một điểm du lịch nằm dưới lũng sâu, mang tính chất hoang dã, lãng mạn và không đụng hàng.
Tọa lạc trên địa giới thôn Suối Cạn, xã Lát, H. Lạc Dương, Lâm Đồng, thung lũng rộng 20ha này có một con suối chảy quanh, là nguồn nước cho một ngôi làng người Cơ Ho sinh sống có tên gọi là Dankya. Bao bọc khoảng 200 ha đồi rừng, gồm 150 ha rừng thông và 50 ha rừng lá rộng.
Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ ngay có lẽ ngày xưa ở nơi này có rất nhiều con Cù Lần. Vào thời điểm đó, ở đây còn hoang dã, cho nên nơi này thành nơi sinh sống của con Cù Lần, những con thú hiền lành, thấy người chỉ che mắt lại bằng hai chi trước nên lần bị bắt gần hết. Cái tên Cù Lần cũng có thể bởi thung lũng này cũng có rất nhiều cây Cù Lần vì màu thân cây như màu da con Cù Lần, mọc nhiều dưới tán rừng thông và mỗi khi bị cháy nó chuyển thân từ màu vàng da bò sang màu đen tro. Nhưng chỉ cần mưa xuống chúng lại phát triển trở lại.
Làng Cù Lần
Xe chúng tôi cứ lượn qua con đường hai bên là thông xanh, là dòng nước của Suối Vàng kế bên, cứ thế cho tới khi thấy làng Cù Lần. Cảm giác đầu tiên là: “Có gì đâu?” vì chỉ thấy một chiếc cổng quá sơ sài, một bãi đất trống với nhiều loại xe đang đậu giống như một bãi... giữ xe. Một cô gái giữ cổng kiêm soát vé, kiêm giữ xe bán vé 30.000 đồng/ người cho biết giữ xe miễn phí, bảo: “Đi con đường có chiếc xe ngựa”. Vậy là nhắm hướng một chiếc xe ngựa gỗ để bước xuống hàng trăm bậc thang. Tầm mắt khi ấy mới cảm nhận về cái kỳ vỹ của làng Cù Lần. Nếu các khu du lịch khác ở Đà Lạt tận dụng những thảm hoa làm không gian lãng mạn, thì những người làm du lịch ở đây tạo cho khách một sự thích thú được vượt qua và chinh phục sự gian khó, cảm nhận sự hoang sơ của núi rừng.
Ngoài việc nếu thích khách bỏ ra 300 ngàn đồng thuê một chiếc xe Jeep để cùng lao xuống, chồm lên ở đoạn đường 4 km quanh khu vực, khách sẽ sử dụng đôi chân để xuống lũng và lên đồi. Loại cây chủ đạo ở đây chen trong cỏ dại, chen cả trong các cây Cù Lần là cây hoa Kim Châm với màu vàng nhạt. Hết các bậc thang là qua hai cây cầu treo, mỗi cây cầu được bảo vệ bởi ba sợi cáp lớn cực kỳ an toàn. Lên cầu, nhún chân một cái là cầu đong đưa, trong cái đong đưa ấy có mùi cỏ dại thoang thoảng, có tiếng của gió lùa qua rừng cây làm xôn xao lòng.
Dốc Trời Ơi
Xuống cuối dốc, cả người mát rượi khi phía trên đầu là những tán thông thẳng vút, dưới là bạt ngàn hoa và xa xa là làng Cù Lần ẩn hiện trong sương khói của thung lũng. Cứ thế, thích thì cứ đi, muốn dừng chân thì có ghế gỗ, có xích đu gỗ cho khách ngồi mà phóng tầm mắt nhìn rừng thông, nhìn hồ nước ở đây hay tò mò xem thử cây Cù Lần là cây gì. Đi từ nơi này đến nơi khác, lại leo lên cầu treo, nơi đây gắn những cây đèn măng sông. Và tới chợ Chồm Hổm.
Làng Đuốc nằm bên hồ, nơi đây có sân chơi để khách ở lại trong đêm, tất nhiên là thắp đuốc lên trong huyền ảo. Những ngôi nhà dành cho khách qua đêm theo kiến trúc Tây Nguyên cho ai thích... ở trong rừng trong đêm kèm theo mọi dịch vụ như ăn uống. Nhưng cứ tiếp tục đi theo con đường dọc theo dòng suối Cạn, hai bên là cây Cù Lần. Nếu thích thì thuê chiếc bè tự chèo ra hồ câu cá hoặc qua một chiếc cầu gỗ nhỏ, lên dốc Trời Ơi, lên đỉnh đồi mà ngắm cả một thung lũng mênh mông. Một bãi cỏ rộng là nơi dã trại, đốt lửa trại đêm thích hợp với các bạn trẻ, ở đây có một máng nước gần Đỉnh Cầu Mưa, mà vật dụng để hứng nước là một nồi đồng cổ. Rồi lại leo lên xe ngựa dạo chơi hoặc vào chợ Chồm Hổm để coi buôn bán cái gì. Một dịch vụ cũng độc đáo tại đây là Tắm Tiên, tất nhiên là tắm dưới suối Cạn, giữa lau lách- tuy nhiên phải hiểu là vẫn mặc đồ che những chổ kín đáo chứ không phải khỏa thân hoàn toàn.
Chợ Chồm Hổm
Chợ Chồm Hổm thực ra là một nhà sàn bày bán các vật lưu niệm, rất nhiều món hàng lạ như phiên bản tượng nhà mồ, vỏ cây, gùi, trái bầu khô... ở đây món hàng bán chạy nhất lại chính là các chú Cù Lần nhồi bông, vì tới làng Cù Lần chắc chắn phải mua một con Cù Lần về làm kỷ niệm. Kết thúc cuộc hành trình là vào làng Cơ Ho. Đây là một ngôi làng nhỏ với vài gian nhà, có cồng chiêng, xâu bắp khô treo, thuyền độc mộc, ché rượu...
Có thể nói làng Cù Lần là một mô hình du lịch tự khám phá, tự tận hưởng không gian hoang dã của núi rừng, bàn tay con người chỉ khẽ khàng dọn chỗ như tạo lối đi, trồng thêm chút cỏ cây. Bước vào nơi này là thả lòng mình trộn cùng thiên nhiên.