Rudyard Kipling, nhà văn, nhà thơ lỗi lạc người Anh từng đoạt giải Nobel văn học từng ca tụng Milford Sound là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”. Và phải đến vùng vịnh phía Tây Nam đảo New Zealand này, du khách mới hiểu được lý do vì sao nhà văn lại được truyền cảm hứng đến vậy.
Những đỉnh núi cao dốc đứng soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng như gương, đổi sắc thường xuyên theo màu trời. Những thác nước ầm ầm đổ xuống từ các vách đá granite và những cây cao lớn hút tầm mắt. Đó là những cảnh quan khiến du khách phải nín thở choáng váng khi được tận mắt chứng kiến.
Vẻ đẹp của Milford Sound quyến rũ hồn người đến độ nó đã được sử dụng để quay những thước phim thần tiên nhất trong bộ phim Chúa tể chiếc nhẫn.
Thổ dân Maoris là những người đầu tiên tìm ra Milford Sound, đã đặt tên nó là Piopiotahi, theo tên của piopio, một loài chim từng sống trong khu rừng nhiệt đời Milford. Trong huyền thoại Maori, người anh hùng Maui đã chết trong khi cố gắng đi tìm thuốc trường sinh cho loài người. Con chim piopio đã bay tới vùng vịnh này và hát lên những khúc ca bi tráng để ca ngợi Maui. Loài chim này ngày nay đã tuyệt chủng nhưng Piopiotahi thì vẫn sừng sững đứng đó.
Người Maoris cũng có một truyền thuyết về sự ra đời của Milford Sound. Theo truyền thuyết, Milford Sound được điêu khắc bởi một vị thánh mang tên Tu Te Raki Whanoa. Vị thánh đã tạc nên tất cả những hòn đá, vịnh biển với hình thù độc đáo: hình con voi, sư tử, hải cẩu, cánh cụt...của Milford Sound ngày nay.
Các thác nước là một trong những viên ngọc tiềm ẩn của Milford Sound. Có hai thác nước chính: thác Stirling, cao 155 mét và thác Bowen cao 162 mét. Vào mùa mưa, hàng trăm ngọn thác lớn nhỏ đổ xuống những vách đá cao tạo nên một cảnh quan đẹp như cõi bồng lai.
Phải đến năm 1812, Milford Sound mới có cái tên như ngày nay. Một nhà thám hiểm Anh: John Grono đã khám phá ra vịnh và vì nhớ nhà sau những tháng ngày lênh đênh, ông đã đặt tên vùng vịnh này là Milford Haven và sau đó là Milford Sound, giống tên vùng quê của ông ở xứ Wales.