Trái ngược với Cairo luôn ồn ào hối hả, Luxor đón chúng tôi bằng phong cảnh làng quê thật yên bình.
Không có gì ngạc nhiên khi Luxor trở thành một trong những địa danh đầu tiên được Unesco công nhận là di sản thế giới (vào năm 1979). Được xây dựng trên nền kinh thành cổ Thebes, Luxor có vô vàn những di chỉ khảo cổ và công trình kiến trúc vô giá. Dòng sông Nil chia Luxor thành hai phần, bờ Đông là "thành phố của người sống", nơi người dân Ai Cập cổ sinh sống, còn bờ Tây là "thành phố của người chết", nơi các pharaoh yên nghỉ ngàn thu trong những hầm mộ được đúc sâu vào lòng núi đá.
Thung lũng của các vị vua và nữ hoàng (Valley of the Kings and Queens) nằm bên bờ Tây, là nơi chôn cất các pharaoh và hoàng tộc trong thời Tân đế quốc, từ năm 1550 đến năm 1070 trước CN. Với địa thế vô cùng hiểm hóc, thung lũng nằm sâu trong những dãy núi đá vôi hùng vĩ, nơi đây trở thành vị trí lý tưởng để xây các ngôi mộ hoàng gia, nhằm tránh bị những kẻ hậu thế cướp bóc.
Con đường nhựa ngoằn ngoèo dẫn tới thung lũng len lỏi qua những vách núi vàng rực, nhân công có thể vào trong thung lũng để xây các ngôi mộ.
Đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được hơn 60 ngôi mộ trong thung lũng các vị vua và gần 80 mộ trong thung lũng các nữ hoàng. Trong số này, có mộ của những nhân vật lừng danh như pharaoh Tutankhamun, pharaoh Ramses, nữ hoàng Titi, hoàng hậu Nefertari...
Mặc dù chẳng giống với hình ảnh các ngôi mộ cổ mờ ảo trong ánh đuốc và lấp lánh châu báu như thường thấy ở các bộ phim Hollywood, các ngôi mộ ở thung lũng vua và nữ hoàng vẫn để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc.
Những căn phòng rộng thênh thang với các bức tường đầy chữ tượng hình nhiều màu sắc, được khắc rất sắc nét là chứng tích cho một nền văn hóa và mỹ thuật độc đáo của người Ai Cập cổ. Ngoài những văn bia bằng chữ tượng hình, còn có những bức tranh lớn được khắc trên tường, miêu tả các trận đánh của vị pharaoh khi còn sống. Bên trong các hầm mộ rất thoáng mát, trái ngược với không khí sa mạc khô rát bên ngoài. Vào mùa hè, ở đây hầu như không có khách du lịch, vì nhiệt độ có thể lên tới 50 độ C.
Trong thung lũng này còn có ngôi đền nổi tiếng của nữ hoàng Hatshepsut, pharaoh nữ duy nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Đây là ngôi đền duy nhất có kiến trúc ba tầng, được đục sâu vào núi đá, tạo nên khung cảnh hùng vĩ. Phía trước đền là hàng tượng đá pharaoh với những đường nét chạm khắc vô cùng sống động.
Trước khi tạm biệt "thung lũng hoàng gia", chúng tôi dừng lại dưới chân hai bức tượng Người khổng lồ Memnon. Hai pho tượng cao 18m này mô phỏng theo pharaoh Amenhotep III, được dựng lên cách đây khoảng 3400 năm, phía trước lối vào đền Amenhotep.
Ngôi đền huyền thoại đã bị sập trong những trận lụt sông Nil cách đây hàng ngàn năm, chỉ còn hai pho tượng khổng lồ sứt sẹo, đứng chơ vơ như hai phế nhân, làm chứng cho một thời quá khứ vàng son oanh liệt, để lại nỗi ngậm ngùi xót xa trong lòng du khách.