Nếu bạn đã từng nghe nói đến lâu đài đỏ Alhambra ở thành phố Granada (Andalusia, Tây Ban Nha) đẹp và huyền bí tựa như trong truyện cổ Nghìn lẻ một đêm thì cung điện Alcazár của Sevilla cũng nổi tiếng chẳng kém vì vẻ đẹp lộng lẫy đến hư ảo.
Viên ngọc Alcazár của vùng Andalusia, Tây Ban Nha - Ảnh: Hoàng Hải
Bước vào cánh cổng cung điện ngỡ mình đang lạc vào chốn thần tiên. Những ồn ào, náo động của khu trung tâm thành phố Sevilla bỗng biến mất. Trước mắt bạn là khu vườn xanh nõn của mùa xuân châu Âu, lối đi ngập hoa hồng, bờ tường phủ những dây thường xuân, các chậu phong lữ rực sắc và đám hoa củ như thủy tiên, tulip duyên dáng bên những hồ nước, đài phun.
Điển hình xuất sắc nhất của phong cách kiến trúc Mudéjar
Có thể dùng phép ẩn dụ và nói rằng cung điện Alcazár tựa viên ngọc lóng lánh xà cừ nằm trong con trai khổng lồ Sevilla, dù cách so sánh này cũng hơi khập khiễng bởi Sevilla còn rất nhiều công trình kiến trúc đẹp đẽ khác như nhà thờ chính với tháp chuông Giralda cao vút. Nhưng hết thảy đều lu mờ trước sự lộng lẫy của Alcazár.
Quần thể kiến trúc lâu đài, cung điện và công viên Alcazár là điển hình của phong cách kiến trúc Mudéjar được bảo tồn nguyên trạng nhất tại châu Âu. Mudéjar được hình thành trong kỷ nguyên Moorish, kỷ nguyên của người Moor từ Bắc Phi đến xâm chiếm bán đảo Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) từ thế kỷ 14.
Công tác bảo tồn rất tốt ở Alcazár cho khách thăm chiêm ngưỡng nguyên trạng các bức chạm khắc tinh xảo trên tường, trần nhà - Ảnh: Hoàng Hải
Văn hóa Hồi giáo đến từ phương Đông đã tan chảy trên đất châu Âu và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc, âm nhạc, văn học, trở thành một phần của lịch sử châu Âu.
Vào thời Trung cổ, những công trình Mudéjar nổi tiếng như nhà thờ Hồi giáo ở Cordoba, lâu đài Alhambra tại Granada và cung điện Alcazár, Sevilla (Tây Ban Nha) cũng được xây dựng song song với các công trình kiểu đặc Gothic hay La Mã. Các trường phái kiến trúc ảnh hưởng qua lại và liên hệ với nhau.
Trường phái Mudéjar chủ yếu dùng gạch làm vật liệu chính, tường trét thạch cao và chạm khắc dày kín từ sàn tới trần, phủ đặc cả trần rất tinh xảo. Các cánh cửa dài rộng bằng gỗ cả phiến lớn sẫm màu, chạm khắc đầy họa tiết phương Đông. Sàn nhà và một số vách tường tại hành lang được lát gạch men islamic. Bao công phu, tài hoa của những nghệ nhân thuở trước trong Alcazár khiến người ta bước vào mà choáng váng.
Nghệ nhân thời trước đã công phu chạm trổ cung điện Alcazár - Ảnh: Hoàng Hải
Sự giao hòa của những tương phản lịch sử
Đặc trưng của phong cách Mudéjar là sự kết hợp các phong cách khác nhau và gắn kết các thời đại. Ngay cả tháp nhà thờ Giralda, một biểu tượng của Sevilla, cũng cho thấy lịch sử phong phú của miền đông nam Tây Ban Nha qua các dấu vết để lại của nhiều triều đại hoàng gia với hai phần ba tháp đoạn dưới theo phong cách của người Moor triều đại Almohad và một phần ba còn lại theo kiểu Phục hưng Tây Ban Nha.
Mặc dù cung Alcazár hoàn toàn theo kiểu của người Moor, nhưng quá trình xây dựng lại diễn ra vào thời gian người Moor không thống trị Sevilla.
Lộng lẫy Alcazár mang phong cách người Moor từ Bắc Phi - Ảnh: Hoàng Hải
Alcazár được xây dựng vào năm 1364 thời Trung cổ châu Âu, trên nền của cung điện đổ nát Al-Muwarrak xây từ năm 913 khi vua Al Ramán II của người Moor trị vì. Pedro I, vua Tây Ban Nha lúc đó, muốn có một cung điện lộng lẫy của mình tại Sevilla trong công cuộc tái chiếm bán đảo Iberia của dân Thiên Chúa giáo từ tay người Hồi giáo.
Vì thiếu nhân công nên ông phải thuê thợ xây dựng người Moor từ Granada (Tây Ban Nha thời đấy vẫn đang do người Ả Rập cai quản). Chính vì thời gian xây dựng gần với cung điện người Moor Alhambra ở Granada và đều do người Moor thực hiện, nên cung điện Alcazár có nhiều nét tương đồng với cung điện Alhambra. Trong một bức chạm khắc chữ Ả Rập trên tường khu Patio de la Doncellas mô tả Pedro I là một sultan (vua Hồi giáo).
Trải qua nhiều triều đại, nơi ở của hoàng gia tại Alcazár là sự pha trộn giữa phong cách Hồi giáo, Gothic và cổ điển. Hiện tại, hoàng gia Tây Ban Nha vẫn đang sử dụng một số phòng ở tầng trên và cả cung điện do Cơ quan di sản quốc gia quản lý.
Dãy nhà gác ở vườn thượng uyển lại xây bằng đá theo phong cách gothic - Ảnh: Hoàng Hải
Ấn tượng thị giác bên trong Alcazár
Một khi đã qua cổng vào Alcazár, sự kinh ngạc sẽ mỗi lúc một tăng theo từng bước chân. Càng đi sâu vào trong, ta thấy mình hoàn toàn ở một thế giới khác. Những bức tường ngoài hành lang lát gạch men lên màu rực rỡ dưới nắng mặt trời dẫn chúng ta lần lượt tới các hội trường lớn với vòm trần tròn ốp gỗ tuyết tùng dát vàng.
Sàn nhà, tường chạm khắc kín đặc, trần nhà, các xà gỗ, trụ đỡ… đều là những tuyệt tác nghệ thuật tuy không có bức khắc họa nào hình khuôn mặt người hay động vật vì người Hồi giáo kỵ điều này.
Các bức khắc họa tiết chữ Ả Rập trên thạch cao tinh xảo bậc nhất và màu sắc bao thế kỷ qua cũng chỉ làm nhạt đi tí chút. Nếu đã ngước lên nhìn vòm trần dát vàng óng ả, bạn sẽ bị hút mắt vào đó và rất khó rời đi. Các khách thăm đều không ngớt thốt lên những tiếng trầm trồ kinh ngạc.
Vòm trần dát vàng rực rỡ hút mắt người xem - Ảnh: Hoàng Hải
Gỗ tuyết tùng kẻ chỉ vàng ốp trần một hành lang - Ảnh: Hoàng Hải
Các khoảng sân rộng hình vuông thường nằm ở giữa trang trí bằng các cột tròn đỡ lấy những mảng tường trang trí tinh xảo phía sát trần hành lang nối các khu vực trong cung điện. Ở giữa sân Patio de las Doncellas (sân của các trinh nữ) là một hồ nước hình chữ nhật dài mà hẹp phản chiếu hình ảnh của riềm cột chạm khắc thạch cao.
Hai mảnh vườn nhỏ nằm hai bên hồ nước có độ cao thấp khác nhau. Các cặp đôi sắp cưới rất thích chọn chỗ này để chụp ảnh.
Cô dâu chụp ảnh cùng phù dâu trước khoảng sân Patio de las Doncellas - Ảnh: Hoàng Hải
Bể chứa nước lung linh ánh đèn dưới hầm cung điện - Ảnh: Hoàng Hải
Ngay cả bể chứa nước phía dưới cung điện cũng thu hút khách tham quan. Ánh đèn vàng soi rọi các khoang vòm lung linh trên mặt nước. Còn khu vực xây cất bằng đá phiến theo lối cổ điển châu Âu thời đó lại cho người ta thấy sự oai phong và nguy nga của triều đình Tây Ban Nha. Phòng trưng bày tranh quý trong cung điện lưu giữ nhiều bức họa lớn từ thế kỷ 16.
Đáng chú ý nhất là bức tranh sơn dầu "La Virgen de los Navigantes" của họa sĩ Alejo Fernández, người đã sống tại Cordoba cho tới năm 1545. Bức họa diễn tả cảnh ăn mừng thành công của nhà thám hiểm Christoph Columbus trở về sau chuyến thám hiểm châu Mỹ dưới sự bảo trợ của Đức mẹ Đồng trinh, ghi nhận chiến thắng của người Tây Ban Nha trong những cuộc chinh phạt vùng đất mới, thể hiện sức mạnh hạm đội tàu lớn thời ấy.
Bức họa ghi dấu chiến thắng của người Tây Ban Nha trên đường chinh phạt thế kỷ 16 - Ảnh: Hoàng Hải
Các hành lang trưng bày tranh thảm rộng mênh mông ốp gạch men cổ rực rỡ - Ảnh: Hoàng Hải
Ai nấy đều bị mê hoặc, cứ miên man đi từ phòng nọ tới sảnh kia, băng qua sân này tới vườn khác trong cung điện. Và đều nán lại trong vườn thượng uyển rộng lớn được xén tỉa gọn gàng, đầy hoa thơm cỏ lạ, cây quý. Luẩn quẩn trong Alcazár cả ngày trôi qua mà chẳng hay...