Một vị sư ở đây cho biết: “Tên gọi đúng của chùa là Thiền viện Chơn Nguyên nhưng vì nuôi rất nhiều khỉ nên người ta quen gọi là Chùa Khỉ”.
Những năm gần đây, trong hành trình du lịch đến Long Hải, nhiều du khách đã chọn chùa Khỉ là một trong những nơi dừng chân. Điều hấp dẫn du khách là cảnh quan ở đây rất đẹp, đặc biệt là có rất nhiều khỉ được nuôi trong môi trường sinh thái tự nhiên trên ngọn núi Kỳ Vân phía sau chùa.
Cách đây khoảng 5-7 năm, đàn khỉ chỉ có vài ba chục con, sau được nhà chùa cho ăn uống thường xuyên và điều kiện sống thích hợp nên chúng sinh sôi thành bầy, đàn… Ước tính đến nay đã hơn 200 con. Vì khỉ sinh sống trong môi trường hoang dã trên núi nên rất dễ bị những thợ săn bắt trộm. Thời gian gần đây, các vị sư trong chùa đã phối hợp với kiểm lâm địa phương bảo vệ đàn khỉ.
Khỉ ở đây vốn sống hoang dã trên núi, sau đó được các sư trong chùa cho ăn, dần dà chúng quen hơi tìm xuống chân núi kiếm ăn mỗi ngày. Theo thời gian, từ khoảng vài ba chục con lúc đầu, đến giờ số khỉ đã lên đến con số gần 200 con.
Khách du lịch đến chùa Khỉ thường mang theo chuối và các loại trái cây để cho chúng. Bao giờ cũng vậy, sau khi cho và xem khỉ ăn du khách mới chịu đi tham quan những cảnh đẹp. Nổi bật giữa muôn ngàn cây lá xanh tốt, những tuyệt tác từ đá do thiên nhiên kiến tạo, bào mòn theo thời gian sẽ làm cho du khách ngạc nhiên đến thú vị. Một “rắn ngậm ngọc” biểu tượng cho sự phồn thịnh, một tảng đá lớn có hình dáng như tượng đầu Phật gợi sự an lành, một tảng đá khác trông giống như một con voi khổng lồ quỳ phục, một cây bồ đề trăm tuổi có gốc và rễ len lỏi trong từng hốc đá gợi nhớ bóng dáng cây kơ-nia Tây Nguyên... Tất cả đều làm nên một nét độc đáo của chùa Khỉ mà không nơi nào khác có được.
Vào mùa xuân, con đường từ thị trấn Long Hải đến chùa Khỉ (cách khu căn cứ Minh Đạm, Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 2,5 km) tràn ngập hoa anh đào trắng hồng rực rỡ. Đây quả là một địa điểm du lịch sinh thái khá lý thú.
Nguồn: caudulich