Những bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, áp lực công việc... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh
Ở người khỏe mạnh, lưu lượng tưới máu não là 55ml máu/100g não/phút. Nếu lưu lượng máu não thấp dưới 20ml/100g/phút thì não sẽ bị thiếu máu, khi đó gọi là rối loạn tuần hoàn não. Hoạt động tim mạch bảo đảm sự tưới máu đầy đủ cho não.
Những yếu tố dẫn đến rối loạn tuần hoàn não gồm các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, tình trạng rối loạn mỡ máu, nồng độ đường tăng trong máu, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn... Bên cạnh đó, sự thay đổi về thời tiết, khí hậu, thời khắc sinh học... là những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn tuần hoàn não. Một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tai biến mạch máu não phát triển nhiều vào tháng 8, tháng 12 và tháng 1 ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ở Hà Nội thấy tai biến mạch máu não xảy ra vào các tháng 2, 3, 10, 11 có liên quan đến mùa lạnh, gió mùa Đông Bắc. Nghiên cứu cũng cho biết, về thời sinh học, con người có 2 khoảng thời gian dễ gặp rủi ro về tuần hoàn não nhất là vào thời điểm từ 4 - 5 giờ sáng và 5 - 6 giờ chiều. Các yếu tố như thói quen, tập quán sinh hoạt, trình độ văn hóa và bệnh tật ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ mắc bệnh. Trên thực tế có nhiều người không biết trị số huyết áp của mình; số khác lại rất thờ ơ với các biểu hiện đau đầu, mỏi chi... nên không biết cách để phòng tránh rối loạn tuần hoàn não. Người uống nhiều rượu, bia, nghiện thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ gây rối loạn tuần hoàn não. Những người thừa cân, béo phì, ít vận động dễ bị tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch... cũng tác động xấu đến rối loạn tuần hoàn não. Những người bị căng thẳng, stress cũng dễ mắc bệnh.
Sơ đồ tổn thương rối loạn tuần hoàn não.
Biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não
Người bị rối loạn tuần hoàn não hay gọi là thiểu năng tuần hoàn não, ở giai đoạn đầu có thể bù trừ, nếu không được phát hiện và điều trị, thời gian sau chuyển sang giai đoạn mất bù với cơn thiếu máu não thoáng qua. Các dấu hiệu của bệnh bao gồm: mỏi tay chân ở một bên người, có cảm giác tê bì, co giật ở chi, có khi đang nói chuyện người bệnh dừng lại không nói được, hay đột nhiên có người đi ngoài đường không nhớ đường về nhà... Khi đã có những rối loạn này mà không được điều trị sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, nhất là người bệnh có sẵn các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tim mạch...
Trường hợp tai biến mạch máu não là biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não cấp tính. Những triệu chứng của tai biến mạch máu não là: đau đầu dữ dội, hôn mê, nôn và buồn nôn, liệt chi, méo tiếng, mất tiếng, xuất huyết não ở các vị trí đặc biệt như chảy máu não thất, chảy máu tiểu não, nhồi máu não... bệnh nhân rất dễ tử vong.
Rối loạn tuần hoàn não mạn tính là tình trạng thiếu máu não mạn tính với các bệnh cảnh sa sút trí tuệ ở người già, đau đầu, chóng mặt... Rối loạn tuần hoàn não còn được phân loại theo vị trí tổn thương như ở vùng não bán cầu, vùng trán, vùng thái dương, vùng chẩm, vùng thân não, tiểu não... Trong các rối loạn tuần hoàn não, ít nhiều đều có phù não, gây ra các rối loạn về tâm lý, như người bệnh dễ nóng giận, buồn vui, hay quên, thậm chí không gọi tên được người thân ngồi trước mặt. Những rối loạn khác có thể gặp là rối loạn thần kinh thực vật như cảm giác nóng bừng bừng, toát mồ hôi, nghẹt thở, lạnh các đầu chi, nổi da gà, rối loạn kích thích, rối loạn đại tiểu tiện... Chẩn đoán bệnh phải dựa vào việc hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm thăm dò chức năng thần kinh.
Việc điều trị chủ yếu nhằm tái lập sự cung cấp máu bình thường với đầy đủ ôxy cho não. Thầy thuốc tùy theo loại và mức độ rối loạn tuần hoàn não để chọn thuốc, liều dùng thích hợp để lập lại cân bằng não bị suy giảm. Hiện nay có rất nhiều thuốc có tác dụng tăng cường tuần hoàn não như tanakan, vinpocetin, piracetam, các thuốc Đông y là chế phẩm từ cây ginkgo biloba...
Lời khuyên của bác sĩ
Mọi người cần nhận thức rõ những yếu tố nguy cơ để phòng bệnh, kiểm soát đường máu, tránh các yếu tố gây stress. Đối với người cao tuổi và những người có sẵn nhiều nguy cơ nên khám sức khỏe thường xuyên, thận trọng với những giờ đỉnh của huyết áp nhất là vào buổi sáng.
Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não: có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn..., cần đi khám bệnh ngay. Hàng ngày cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá, hạn chế ăn thịt, không nên ăn mỡ động vật. Hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia. Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào. Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp làm xuất hiện bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Khi đã được chẩn đoán bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc. Người cao tuổi không nên tắm nước lạnh, nhất là vào mùa lạnh, nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa. Mùa đông mỗi lúc thức dậy, cần cử động chân tay một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột.