Ảnh minh họa: Internet
Các chuyên gia đã phân tích hồ sơ y tế của hơn 510.000 trẻ em ở California, Mỹ, có độ tuổi từ 10 đến 19, và phát hiện rằng những trẻ thừa cân tăng gấp đôi nguy cơ bị sỏi mật so với những trẻ có thể trọng bình thường. Nguy cơ này tăng gấp bốn lần ở các trẻ bị béo phì với mức độ vừa phải và sáu lần cao hơn ở các trẻ quá béo.
Mối liên hệ giữa béo phì và sỏi mật thường biểu hiện rõ hơn ở các trẻ gái hơn trẻ trai. Cụ thể, các trẻ gái bị béo phì và quá béo phì tăng sáu và tám lần tương ứng khả năng phát triển sỏi mật hơn so với các trẻ gái nhẹ cân hoặc có thể trọng bình thường. Các trẻ trai béo phì và quá béo phì tăng hai và ba lần tương ứng khả năng phát triển sỏi mật hơn so với các trẻ trai nhẹ cân hoặc có thể trọng bình thường.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng các trẻ em gốc Tây Ban Nha có nhiều khả năng phát triển sỏi mật hơn so với các trẻ em thuộc các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác.
Mặc dù sỏi mật là chứng bệnh tương đối phổ biến ở người lớn bị béo phì, các trường hợp sỏi mật ở trẻ em và thanh thiếu niên rất hiếm được ghi nhận trong lịch sử y học. Nhà nghiên cứu Corinna Koebnick, thuộc Sở Nghiên cứu và đánh giá Kaiser Permanente Nam California (Mỹ), người chủ trì cuộc nghiên cứu, cho biết: "Những phát hiện này đã cảnh báo thêm một xu hướng đáng báo động rằng, các trẻ em bị béo phì hoặc “siêu” béo phì có nhiều khả năng phát triển bệnh sỏi mật, mà chứng bệnh này trước đây chỉ thấy ở người lớn".
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh sỏi mật hiện ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người lớn ở Mỹ. Mặc dù nghiên cứu phát hiện mối liên quan giữa trẻ em béo phì và bệnh sỏi mật, nhưng nó không chứng minh sự ảnh hưởng trực tiếp giữa hai việc này.
Trọng Nguyên (Theo Goodhealth)