Kết quả kiểm tra của Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế về chất lượng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại một số BV Y dược cổ truyền và khoa YHCT của cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn một số tỉnh, TP trong cả nước cho thấy: Có nhiều vị thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, có 3 vị thuốc nhập từ Trung Quốc bị làm giả và chứa chất độc, thậm chí có cả chất gây ung thư.
Qua kiểm tra định tính, định lượng, tạp chất gần 400 mẫu dược liệu cho thấy, 60% chưa đạt chất lượng theo dược điển Việt Nam; 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp. Nhiều vị thuốc YHCT không đảm bảo chất lượng hiện đang sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong và ngoài công lập), tập trung chủ yếu ở các loại được sử dụng thường xuyên và không có ở Việt Nam.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nhiều loại thuốc Đông y không đảm bảo chất lượng
Cụ thể, nhóm 1 là một số vị thuốc có lẫn nhiều tạp chất như Bá tử nhân, Tế tân, Viễn chí, Hòe hoa, Phòng phong, Uy linh tiên, Tần giao, Kim ngân hoa; nhóm 2 là một số vị thuốc có mô tả đúng nhưng hàm lượng hoạt chất thấp như: Đảng sâm, Hoàng cầm, Khương hoạt, Hà thủ ô đỏ, Hoàng bá, Đan sâm, Ngưu tất, Nhục thung dung; nhóm 3 là một số vị thuốc bị nhầm lẫn loài như: Dây Đau xương, Tang ký sinh, Ý dĩ, Thăng ma, Hoàng kỳ.
Đặc biệt, nhóm 4 là một số vị thuốc có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như: Bạch linh, Hoài sơn, Thỏ ty tử, Hồng hoa. Ngoài ra còn một số vị thuốc sử dụng không đúng bộ phận dùng như: Kim ngân hoa (sử dụng Kim ngân đằng), Liên nhục (dùng nắp hạt sen), Phục thần (dùng Bạch linh). Trong số các thuốc nhuộm màu, bị làm giả đáng lưu ý có 3 loại được nhập từ Trung Quốc là Bạch linh, Thỏ ti tử, Hồng hoa bị làm giả. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong thành phần “Bạch linh” có đến 80% là cabonat; Thỏ ti tử được trộn bằng xi măng; Hồng hoa chứa chất gây ung thư và những hóa chất khác nhưng chưa rõ là chất gì.
Theo TS. Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, nếu phát hiện Bạch linh giả, thử nghiệm cho vào nước sẽ tan nhanh chóng. Nhưng đến nay những người làm thuốc giả đã dùng cách thức tinh vi là cho canxi cabonat vào để không tan trong nước nên khó phát hiện. Đối với Hồng hoa được nhuộm chất màu, còn một số chất chưa xác định được nhưng dù là chất gì khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Về lâu dài, dẫn đến suy gan, suy thận, gây ung thư.
Việc quản lý chất lượng dược liệu hiện nay rất khó khăn vì nguồn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam chưa kiểm soát được, nên việc kiểm soát dược liệu chỉ tập trung chủ yếu là phổ biến kiến thức cho các đơn vị cung ứng và người sử dụng nhận biết thuốc. Các cơ sở khám chữa bệnh cần phải củng cố lại việc nhập thuốc, phải có kiến thức phân biệt thật giả. Tuy nhiên, hiện có những dược liệu trộn hóa chất, hay trộn những chất mà chính Viện kiểm nghiệm chưa xác nhận là loại gì - TS. Phương cho biết.
Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn trong sử dụng dược liệu, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, TP yêu cầu tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu trong các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT chỉ được sử dụng các vị thuốc Hồng hoa, Bạch linh, Thỏ ti tử, Hoài sơn khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Đối với lượng thuốc hiện đang có tại kho, yêu cầu các đơn vị niêm phong, tự bảo quản và gửi mẫu kiểm nghiệm, đạt tiêu chuẩn chất lượng mới được tiếp tục sử dụng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, TP khẩn trương tiến hành kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc Đông y trong các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn, chú trọng kiểm tra những vị thuốc nêu trên và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 30/10/2012.