Trôm là loại cây mọc hoang tại rừng miền Trung Nam Bộ và hiện được trồng ở nhiều nơi như Tiền Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận... Mủ cây trôm được cho là có tác dụng trong giải khát và làm đẹp. Tuy nhiên, vài năm gần đây, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp dị ứng do sử dụng kem mủ trôm để trị nám và làm đẹp da. Trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân tên Hòa, 39 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội.
|
Một phụ nữ bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp mặt sau khi bôi kem mủ trôm. Ảnh:Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường.
|
Theo giới thiệu từ bạn bè về tác dụng làm đẹp da của kem mủ trôm, chị Hòa đã tìm mua loại kem mủ trôm được giới thiệu là có nguồn gốc ngoại nhập và đáng tin cậy. Sau khi dùng một ngày, thấy da mặt nổi ban đỏ ngứa và rát nhưng chị Hòa vẫn tiếp tục sử dụng vì theo lời hướng dẫn của người bán, loại kem này mới dùng có thể gây đỏ và bong da nhưng sau đó sẽ hết.
Tuy nhiên, sau đó 2 ngày, mặt chị trở nên sưng nề, nứt nẻ và ngứa nhiều, các ban đỏ lan ra cả vùng xung quanh không tiếp xúc với kem. Không thể kiên nhẫn chờ đợi, chị đã đến khám tại chuyên khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, chị được các bác sĩ chẩn đoán là bị viêm da dị ứng tiếp xúc do kem mủ trôm. Sau 10 ngày tiêm truyền và uống thuốc, da mặt của chị mới dần ổn định, tuy nhiên vẫn để lại các vạt thâm và bong da.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng - lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mấy năm nay, đơn vị thường xuyên tiếp nhận và điều trị các trường hợp dị ứng do sử dụng kem mủ trôm để trị nám và làm đẹp da.
Hiện việc sử dụng kem mủ trôm để trị nám, trị mụn và làm đẹp da trở thành một trào lưu. Rất nhiều loại kem bào chế từ mủ trôm, cả sản xuất trong nước và nhập ngoại, đã được bán rộng rãi trên thị trường, với những lời quảng cáo hấp dẫn về tác dụng thần diệu và sự an toàn. Tuy nhiên, các tác dụng này còn chưa được khoa học kiểm chứng, trong khi nhiều trường hợp dị ứng do sử dụng chúng đã được ghi nhận, để lại hậu quả lâu dài trên da mặt. Ngoài các phản ứng dị ứng, nhiều người sử dụng kem mủ trôm còn bị phản ứng phụ do thành phần corticoid trong kem gây ra, như giãn mạch, đỏ da, teo da, rạn da, nổi mụn trứng cá…
"Da mặt là vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Các biểu hiện dị ứng ở da mặt cũng thường có xu hướng diễn biến dai dẳng, hay tái phát, có thể để lại vạt thâm, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Do đó, chị em khi sử dụng các loại mỹ phẩm lạ trên da mặt, đặc biệt là kem mủ trôm, cần thận trọng, nên thử bôi trước tại vùng da mỏng ở mặt trong của cẳng tay, theo dõi 48-72 giờ, nếu không xảy ra phản ứng như nổi bọng nước, ban đỏ, phù nề lan tỏa… mới nên sử dụng trên mặt", bác sĩ khuyến cáo.
Ngoài ra, theo ông, khi sử dụng kem mủ trôm trên mặt, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện như trên nhưng mức độ tăng dần, các chị em không nên chủ quan, cần ngưng sử dụng kem và đến khám tại cơ sở chuyên khoa dị ứng hoặc da liễu, tránh các phản ứng nặng do dị ứng hoặc nhiễm độc da.