“Thần y” Nga Lộc đang khám cho bệnh nhân
Tôi bắt đầu nghe đến tên ông từ lúc còn là một bé con, mê bóng đá nên hay chầu chực ở sân Vinh chờ xem các trận đấu của Sông Lam Nghệ An. Kể cũng hơi buồn cười, nhưng đúng là khán giả chảo lửa Vinh có tiếng là cuồng nhiệt vẫn hò hét ầm ĩ cả khán đài: “Chặt chém đi, gãy chân đã có ông Nga Lộc”.
Một thế hệ cầu thủ “chém đinh chặt sắt” của CLB bóng đá Sông Lam tên tuổi một thời, theo lời người hâm mộ lý giải thì là nhờ có sự quả cảm, lỳ đòn không sợ chấn thương. Và một trong những nguyên nhân cũng được thiên hạ phân tích một cách nhuốm màu giai thoại, là bởi đã có “thần hộ vệ Nga Lộc”.
Người thầy thuốc được dân xứ Nghệ và cả mấy tỉnh miền Trung xem như “thần y” đó, tên thật là Nguyễn Sỹ Nghị, quê xã Nga Lộc (nay là Thường Nga), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, lâu ngày, gọi tắt thành quen, thành “ông Nga Lộc”. Cho đến bây giờ, có lẽ cũng chẳng mấy ai còn nhớ tên thật của ông nữa.
Cách thành phố Vinh chừng 30km, nhưng tìm đường đến nhà ông có thể nói là khá dễ. Hỏi từ đầu làng, thậm chí hỏi từ ngoài quốc lộ 1, gần như ai cũng biết. Trưa, một khoảng không rộng rãi chật đông bệnh nhân. Bệnh nhân của ông đến từ khắp các huyện thị của hai tỉnh Nghệ An Hà Tĩnh, thậm chí, xa hơn như Thanh Hóa, Quảng Bình. Lại có người đến mua thuốc gửi cho người nhà ở tỉnh Bình Dương. Cho dù trong đó không thiếu các cơ sở tốt nhưng “vì họ hàng mê tín ông Nga Lộc, nhất định “bắt” người nhà đến xin thuốc ông gửi theo xe mang vào”, chị Liên, một người khách giải thích.
Tại “bệnh viện” của mình, ông khám miễn phí cho tất cả bệnh nhân, nên có khá nhiều người mang theo phim chụp X-quang rồi nhờ ông bốc thuốc mang về. Mỗi gói thuốc giá chỉ dăm nghìn đồng. “Thế thôi, “bệnh viện” dành cho người nghèo mà. Ai nặng hơn thì mang chân đến ông dậm cho vài dậm (dẫm) ít bữa là khỏi”, mọi người nói về ông một cách rất tôn kính.
“Dẫm vài cái là khỏi”, nghe cứ như chuyện tếu táo trong dân gian, nhưng có mục sở thị thì mới thấy lời đồn quả cũng có chút phần nào sự thực. Tôi ngồi xem ông Nga Lộc chữa bệnh, ban đầu chẳng thấy ông làm gì cả, chỉ sờ sờ nắn nắn có vẻ khá hời hợt, nhưng giọng thì ân cần quan tâm lắm, hỏi han người bệnh đủ thứ chuyện trên đời tưởng chẳng liên quan gì đến bệnh tật, lựa lúc bệnh nhân không để ý, ông giật mạnh một cái, thế là khỏi.
Tất nhiên, đó là đối với các trường hợp bong gân, trật khớp chữa bằng mẹo. Nếu nặng như gãy xương thì ông cho những phương thuốc gia truyền đặc trị.
Ít ai biết, dòng tộc ông có năm đời kế tiếp nhau làm nghề thuốc. Tuy nhiên, mỗi thế hệ lại chỉ có một người là có khả năng nối nghiệp. Từ thuở lên năm lên mười, ông đã bắt đầu làm quen với nghề y bằng việc lên núi hái lá cây về cho ông nội và cha, vừa phụ giúp vừa học hỏi những bài thuốc đầu tiên.
Năm 1965, tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Sỹ Nghị được cử đi học trung cấp y để tạo nguồn cán bộ cho trạm xá xã. Học xong trường y, ông xung phong vào bộ đội, là chiến sĩ bộ binh của sư đoàn 304 tham gia chiến đấu ở Khe Sanh. Được 3 năm, thì ông nội và cha lần lượt qua đời, ông bị xã “bắt cóc” về làm phó Trạm, chuyên trách đông y của xã. Con đường trở thành một thầy thuốc của người nghèo bắt đầu từ đó.
Khéo kết hợp những kiến thức học được ở trường y và bí quyết gia truyền – ông rất thành công với phương pháp chữa bệnh vừa đơn giản, vừa rẻ tiền mà không làm bệnh nhân đau đớn. Hàng chục năm công tác ở trạm xá địa phương, ông đã hiến toàn bộ tiền lương cho xã. Bởi lẽ, “cuộc sống còn có nhiều người nghèo hơn mình”, ông nói giản dị.
Từ năm 1995, 48 tuổi, ông nghỉ việc ở trạm xá, dành tất cả thời gian chữa bệnh cứu người tại nhà. Gương mặt hao gầy, dáng người nhỏ bé, thế mà ông làm việc quần quật cả ngày không ngơi tay. “Bệnh viện” của ông không có chỉ dẫn, không biển hiệu cũng không thu phí khám chữa, thầy thuốc thì dép lê, quần màu bộ đội, sơ mi thả ngoài, ngồi bệt xuống thềm nhà mà băng băng bó bó, chẳng khác gì một bác nông dân nhưng lúc nào cũng đông nghìn nghịt. Mỗi ngày, ông khám và bốc thuốc cho hàng trăm bệnh nhân. Bệnh không phải là cấp cứu, chỉ là vì ở xa tìm về, đến được nhà ông thì có khi đã chập choạng tối hoặc tờ mờ sáng. Thành thử ra, ông Nghị cũng chẳng có giờ giấc quy định gì cả. Cứ có bệnh là khám. Cứ gõ cửa là mở. Thế nên bữa cơm của ông thường bắt đầu khi bệnh nhân đã hết, không cứ gì thời gian.
Nhà có việc gì phải rời quê, miễn cưỡng lắm ông mới chịu đi, có đi, cũng chỉ một hai ngày là thế nào cũng tìm cách trốn về bằng được. Ông sợ: “Đi lâu thế tội bệnh nhân, có mình cậu con trai làm không kịp bệnh nhân phải chờ lâu hoặc phải quay về thì khổ họ lắm”. Tiền khám chữa không thu, tiền thuốc thang đôi khi thấy ai nghèo quá khó quá ông cũng… cho luôn. Thậm chí có ngày cho cả hàng trăm gói, dù ông lấy cực rẻ chừng dăm ba nghìn một gói, nhân lên cũng cả trăm ngàn bạc. Không ít bệnh nhân người nước ngoài ra về để lại số điện thoại cho ông, dặn nếu ông cần gì cứ gọi, nhưng ông nhận lấy, rồi… bỏ quên đâu mất.
Lòng ông, chỉ duy nhất một tâm niệm: “Anh buôn bán cốt bán được hàng, người thầy thuốc cốt chữa được bệnh”. Thế thôi, không cầu danh cũng không màng lợi.
Là thầy thuốc ưu tú, Ủy viên Hội Y học cổ truyền dân tộc tỉnh Hà Tĩnh, ông từng có vinh dự được Chủ tịch nước thưởng Huân chương lao động hạng 3, Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Huy chương vì sức khỏe nhân dân… Huân huy chương thì mang về, còn tiền… gửi lại cho quỹ người nghèo. Lá cây có thứ hái được trên núi nhưng có thứ phải mua (mỗi năm gia đình ông tốn gần 200 triệu tiền thuốc) chưa kể công sao chế, nhưng ông vẫn không thể đành lòng mà lấy đắt của bệnh nhân. Ông nói: “Lấy đắt tội người ta, bệnh nhân phần lớn là người nghèo…”
Ngồi xem ông chữa bệnh, chứng thực những câu chuyện đồn thổi về “thần y” Nga Lộc, mới hiểu rằng tại sao nhiều bệnh nhân không đến những nhà thuốc sang trọng ở thành phố, mà lặn lội đường xa tới gian nhà cũ kĩ, chẳng có phương tiện hiện đại gì trợ giúp ngoài đôi bàn tay và một tấm lòng này để được ông khám và chữa bệnh cho mình…
(tapchigiadinh.com.vn) -
Theo Lê Chi
Petrotimes