|
Ảnh: AFP. |
Cụ thể, các Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Y tế Dự phòng có hoạt động kiểm dịch biên giới giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, nhất là những người nghi ngờ mang mầm bệnh truyền nhiễm. Tiến hành kiểm tra, xử lý y tế đối với các phương tiện nhập cảnh, khám và cách ly đối với các trường hợp nghi mắc bệnh.
Các đơn vị trên cũng được yêu cầu phối hợp với lực lượng cửa khẩu trong việc giám sát việc nhập khẩu động vật, các sản phẩm từ động vật qua biên giới. Ngoài ra, cần có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa hè, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất chống dịch...
Từ tháng 4 đến ngày 8/7, tại Campuchia đã ghi nhận 74 trường hợp trẻ mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân, trong đó có 56 ca tử vong. Phần lớn các ca mắc đều dưới 3 tuổi và tử vong trong 24 giờ sau khi nhập viện. Trong số này, đa phần có các biểu hiện sốt cao, kèm theo các triệu chứng về hô hấp và thần kinh, sau đó nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp.
Theo tuyên bố chung của Bộ Y tế Campuchia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây thì kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm đã phát hiện một chủng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng là virus EV71.
Tiến sĩ Nima Asgari, Trưởng nhóm nghiên cứu của WHO, cho biết, trong số 24 mẫu xét nghiệm, có 15 mẫu dương tính với EV71. Ngoài ra, một số ca được xác định mắc một số bệnh khác như: sốt xuất huyết, liên cầu lợn.
"Theo tôi được biết, từ trước chưa tìm thấy virus EV71 ở Campuchia. Tuy nhiên, dựa trên các thông tin sẵn có thì có khả năng nhiều trẻ chưa được kiểm tra cũng nhiễm virus này. Chúng tôi hy vọng sẽ kết luận rõ ràng trong thời gian tới", tiến sĩ Asgari nói.
Tay chân miệng là bệnh đang làn tràn khắp châu Á, trong đó có Việt Nam với biểu hiện điển hình là nốt ban đỏ, phỏng rộp trên da. Tuy nhiên, thực tế chỉ một số ít trường hợp mắc bệnh ở Campuchia có các ban này. Theo tiến sĩ Nima Asgari thì có thể là do các thuốc thuộc nhóm steroid mà các bác sĩ hay kê đơn cho bệnh nhân đã che giấu các triệu chứng bệnh.
Phương Trang