Ảnh minh họa: internet
BS Nguyễn Lê Thục Đoan - Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM lý giải: các mạch máu vận chuyển máu qua lại giữa tim, các mô và các cơ quan khác của cơ thể. Có ba loại mạch máu: động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Khi các mạch máu này bị vỡ do tổn thương hoặc suy yếu, hồng cầu thoát ra khỏi thành mạch và gây nên các mảng bầm. Dân gian thường gọi là “ma” cắn; y học gọi đó là tình trạng xuất huyết dưới da.
Tùy vị trí xuất huyết mà có nhiều triệu chứng bệnh lý khác nhau như: xuất huyết da niêm, xuất huyết dạ dày, rong kinh rong huyết, chảy máu cam, chảy máu răng lợi...
Bình thường, khi mạch máu bị tổn thương thì cơ thể lập tức huy động cơ chế cầm máu - đông máu để bịt ngay vết thương lại và máu ngừng chảy. Bất cứ nguyên nhân nào gây rối loạn cơ chế này đều có thể dẫn đến xuất huyết. Thực tế thường gặp các nguyên nhân sau: tổn thương thành mạch do chấn thương, do các bệnh nhiễm khuẩn, thiếu vitamin K, C, B12; bệnh miễn dịch, dị ứng như viêm thành mạch dị ứng; một số bệnh nội khoa như: lao, đái tháo đường, xơ gan, suy thận; các bệnh do thiếu hụt các yếu tố đông máu của huyết tương như hemophilie A, B, C... giảm prothrombin, proconvertin; bệnh tiểu cầu như giảm tiểu cầu nguyên phát, suy nhược tiểu cầu (Glanzmann); ung thư.
Tình trạng xuất huyết dưới da thường gặp ở phụ nữ, người già và trẻ em do làn da mỏng, chỉ cần một tổn thương nhẹ cũng làm mạch máu bị vỡ. Vết bầm có thể lớn hay nhỏ tùy theo mức độ tổn thương mạch máu, không đau, không ngứa. Thông thường từ hai-năm ngày, vết bầm này sẽ thay đổi màu sắc từ đỏ sẫm, tím qua màu xanh rồi màu vàng và dần biến mất. Tuy nhiên với những vết bầm hơn hai tuần không tan, xuất hiện thêm vết bầm mới; hoặc đã tan, nhưng thường xuyên lặp lại, kèm những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chảy máu răng, máu mũi, rong kinh, đi cầu ra máu… thì cần phải đến bệnh viện để kiểm tra.